Đắk Nông tìm cách tiêu thụ và xuất khẩu bơ bền vững

Thứ ba, 03/07/2018, 16:01 PM

Đó là thông tin được bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018 được tổ chức tại TP.HCM ngày 3/7.

 Sản phẩm bơ Đắk Nông được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: N.Hiền

Sản phẩm bơ Đắk Nông được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: N.Hiền

Theo đó, chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 23/7 tại Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với nhiều hoạt động như: Hội thảo phát triển bơ bền vững; hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nhiệm các mô hình nông nghiệp…

Đây là chương trình tôn vinh trái bơ đầu tiên được tổ chức tại Đắk Nông nhằm giới thiệu, quảng bá trái bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bơ trong và ngoài nước. Qua đó nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh bơ, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Sự kiện cũng mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh giữa người trồng bơ với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bà Hạnh cho biết, Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích trồng và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha, trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên toàn tỉnh. Bơ trồng chủ yếu tập trung ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Theo các chuyên gia, cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác. Với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hecta sẽ cho thu hoạch từ 300-500 triệu đồng/năm.

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao được nông dân trồng nhiều như bơ Cu Ba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp... Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác hơn so với các tỉnh nên Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM thích thú với sản phẩm bơ Đắk Nông được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: N.Hiền

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM thích thú với sản phẩm bơ Đắk Nông được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: N.Hiền

Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác và là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khoẻ, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.

Tuy nhiên, lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hoá bơ Đắk Nông còn thấp do việc hạn chế trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, tình trạng bà con nông dân trồng tự phát không theo quy hoạch, nguồn vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV...) và quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng thương hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc...

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây bơ, giữa tháng 3/2018, tại chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên gồm Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm, Công ty CP SAM nông nghiệp công nghệ cao.

Nguyễn Hiền 

Theo baohaiquan

largeer