Đằng sau “chiêu bài” bán đủ thứ của Thế Giới Di Động

Thứ ba, 26/03/2019, 15:34 PM

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) liên tục rời xa mảng kinh doanh cốt lõi đã từng giúp họ thành công. Sau hàng bách hóa, MWG bước chân vào lĩnh vực mới mẻ là dược phẩm và giờ là đồng hồ. Điều gì khiến ban lãnh đạo MWG đưa ra những quyết định mới và đầy mạo hiểm như vậy?

MWG nhảy vào lĩnh vực kinh doanh mới là đồng hồ, khá xa lạ với ngành kinh doanh chính.

MWG nhảy vào lĩnh vực kinh doanh mới là đồng hồ, khá xa lạ với ngành kinh doanh chính.


Bán đồng hồ lãi cao nhưng “khó xơi”

Đầu tháng 3/2018, MWG bất ngờ công bố sẽ bán thêm đồng hồ. Các loại đồng hồ được bày bán chung với các sản phẩm điện máy và điện thoại di động.

Chia sẻ với báo giới nguyên nhân của bước đi mới, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng Giám đốc MWG cho biết, công ty sẽ bán các dòng đồng hồ thời trang có giá dưới 7 triệu đồng/chiếc, nhất là nhóm có giá 2-3 triệu đồng. Một số loại do MWG nhập trực tiếp, số khác mua từ các nhà phân phối tại Việt Nam.

Có vẻ như MWG thấy đồng hồ là lĩnh vực khá “ngon ăn” nên liền nhảy vào. Bởi trước đó, một số thông tin về thị trường này mà Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố với cổ đông cho thấy, kinh doanh đồng hồ tại Việt Nam khá sáng sủa. Theo PNJ, thị trường đồng hồ có quy mô gần 750 triệu USD (17.000 tỷ đồng), hiện chưa có đơn vị nào chiếm thị phần chi phối, đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận/doanh thu khi bán đồng hồ khá cao, khoảng 60-70%. Thị trường đồng hồ tại Việt Nam khá lộn xộn, hàng thật nhập nhèm hàng giả. Vì vậy, chuyện nhập hàng chính hãng để bán sẽ là lợi thế của MWG. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết.

Thực tế cho thấy, với món hàng vài triệu đồng như đồng hồ, người tiêu dùng luôn có nguy cơ mua phải hàng giả. Bởi vậy, cách đề phòng duy nhất là họ vào các cửa hàng chính hãng ở TP.HCM để mua mới yên tâm, nhờ có giấy kiểm định nguồn gốc sản phẩm. Một doanh nhân làm việc tại TP.HCM cho biết, với loại đồng hồ có giá 1-2 triệu đồng/chiếc trở xuống được xem là “đồ đeo chơi”, người tiêu dùng có thể không soi xét kỹ về nguồn gốc. “Nhưng từ mức giá chục triệu trở lên, tâm lý xem hàng hóa như tài sản sẽ khiến họ yêu cầu giấy kiểm định nguồn gốc kèm theo. Các cửa hàng chính hãng sẽ được ưu tiên hơn các cửa hàng bán nhiều thứ lẫn lộn” - vị này nhận xét. Đây có lẽ là cái khó đầu tiên của MWG khi bắt đầu bán đồng hồ đắt tiền kèm chung với điện thoại và hàng điện máy.

Bên cạnh đó, bán đồng hồ nhìn sơ qua có thể thấy là cùng nhóm hàng tiêu dùng với hàng điện tử của MWG. Tuy nhiên, nhìn kỹ sẽ có nhiều điểm khác nhau, khác biệt lớn nhất là thói quen tiêu dùng. Đồng hồ bên cạnh tính năng thời trang còn được người dùng xem như món hàng khẳng định đẳng cấp và vị thế trong xã hội. Các mảng kinh doanh của MWG chưa từng bán cho khách hàng sản phẩm nào như  vậy.

Đặc biệt, người tiêu dùng vẫn có thể mua hàng xách tay trực tiếp từ nước ngoài với giá rẻ hơn khá nhiều hàng nhập chính hãng. Phân tích như vậy để thấy, MWG đang bước vào một lĩnh vực mới mẻ và khá mạo hiểm.

Hiện nay chuỗi Điện Máy Xanh mang về doanh thu chính cho MWG và có tăng trưởng, trong khi các mảng kinh doanh mới gần đầy đều lỗ. Tăng trưởng doanh thu mới là mục đích chính của công ty này để giữ chân nhà đầu tư và giá cổ phiếu.

Hiện nay chuỗi Điện Máy Xanh mang về doanh thu chính cho MWG và có tăng trưởng, trong khi các mảng kinh doanh mới gần đầy đều lỗ. Tăng trưởng doanh thu mới là mục đích chính của công ty này để giữ chân nhà đầu tư và giá cổ phiếu.

Phía sau “chiêu bài” bán đủ thứ

Có nhiều nguyên nhân khiến ban lãnh đạo MWG bán đồng hồ dù kinh doanh đồng hồ và điện máy khác nhau khá nhiều.

Vài năm trở lại đây, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam bão hòa khiến MWG liên tiếp đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Đến đầu năm 2019, MWG còn hơn 1.000 cửa hàng và dự tính giảm xuống 900 cửa hàng trong năm nay. Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu Thị trường GFK, thị trường điện thoại trong năm 2018 chỉ tăng trưởng 1%. Đóng góp chính vào doanh thu của MWG năm qua cũng là mảng điện máy chứ không phải điện thoại.

Bởi vì áp lực này mà MWG buộc phải tìm ngành hàng khác để đầu tư, nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng hàng năm theo kỳ vọng của nhà đầu tư. Do đó mà MWG mở ra Bách Hóa Xanh cuối năm 2015, mua thêm Điện máy Trần Anh và chuỗi dược An Khang vào đầu năm 2018. Và giờ đây là kinh doanh đồng hồ.

Dù kinh doanh thêm nhiều thứ mới nhưng xem kỹ sẽ thấy các mảng mới của MWG gần đây đều chưa mang lại lợi nhuận. Đến cuối năm 2018, Trần Anh vẫn ghi nhận lợi nhuận âm. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh mở ra ồ ạt và thay đổi mô hình liên tục trong 3 năm qua vẫn mới hòa vốn tại cửa hàng. Nói cách khác, nếu tính đủ chi phí đầu tư và chi phí quản lý, Bách Hóa Xanh vẫn đang lỗ. Riêng mảng dược phẩm, do tính toán sai hướng phát triển của kênh nhà thuốc, MWG đành ngậm ngùi xem đây là khoản đầu tư dài hạn chứ chưa dám mở rộng.

Có một điểm bất thường là các mảng mới của MWG đều đang lỗ. Thậm chí trước đây dù Trần Anh đang lỗ vẫn được MWG mua lại. Vì sao?

Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị, chuyên tư vấn về chiến lược kinh doanh nói có thể nhìn thấy nguyên nhân ở áp lực tăng trưởng quy mô. MWG buộc phải mở rộng hoặc mua lại công ty khác để tăng quy mô liên tục. Yếu tố tăng trưởng giúp giữ chân nhà đầu tư với đa phần là nhà đầu tư tài chính ngắn hạn, vốn ưa thích việc cổ phiếu tăng giá hơn phát triển dài hạn. “Đồng thời, quy mô lớn giúp MWG giữ ưu thế với nhà cung cấp, giúp MWG được chiếm dụng vốn. Nếu quy mô ngừng tăng hoặc giảm bớt, lợi thế quan trọng này sẽ mất dần và nhà đầu tư sẽ nhanh tay bán cổ phiếu” - ông Hòa nhận xét.

Bởi vậy, sẽ không lạ gì khi sắp tới MWG công bố kinh doanh thứ gì đó lạ lẫm mà họ chưa từng bán, thậm chí là mua một doanh nghiệp đang lỗ lã như Trần Anh trước đây.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer