“Đầu tàu” du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Chưa thể bằng lòng

Thứ bảy, 25/08/2018, 21:05 PM

25 năm qua, dù lượng khách quốc tế du lịch đến TP.HCM đã tăng 14 lần, nhưng ngành Du lịch thành phố vẫn chưa hài lòng với những kết quả đạt được và vẫn lúng túng trong việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch.

 Du khách quốc tế đến TP.HCM tăng 14 lần trong 25 năm

Du khách quốc tế đến TP.HCM tăng 14 lần trong 25 năm

Chưa có chiến lược phát triển, “đầu tàu” Du lịch TP.HCM đi về đâu?

Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức Tọa đàm “Công tác quản lý của Nhà nước về du lịch của TP.HCM, 25 năm thành công và thách thức” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về du lịch, cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua cũng như đóng góp các giải pháp để ngành Du lịch thành phố tiếp tục bứt phá, giữ nguyên vị trí “đầu tàu” trong ngành Du lịch cả nước.

Sau 1/4 thế kỷ, ngành Du lịch thành phố vẫn là đầu tàu về du lịch là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, những người tâm huyết với ngành luôn mong muốn du lịch thành phố sánh với những thành phố nổi tiếng khác trên thế giới, nên chưa thể bằng lòng với những gì đã đạt được. Năm 1993 khách quốc tế đến TP.HCM là 519.000 lượt thì năm 2017 đạt gần 6.400.000 lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2018 khách quốc tế đạt 3.800.000 lượt, dự báo hết năm 2018 đạt 7,8 triệu lượt. Như vậy qua 25 năm, lượng khách quốc tế đến thành phố tăng 14 lần, chiếm 50% lượng khách quốc tế cả nước.

Trong giai đoạn từ năm 1997- 2017 tổng doanh thu du lịch tăng lên 40 lần, tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành Du lịch trong cơ cấu chỉ tiêu kinh tế tổng hợp (GRDP) của thành phố hiện nay tăng 11%... Đạt được không ít thành công nhưng nhìn thấy rõ ngành Du lịch thành phố vẫn còn nhiều thách thức như: Chưa có Chiến lược phát triển ngành Du lịch thành phố; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhiều nơi chưa đồng bộ; các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ cho du lịch chưa phong phú; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng lẫn số lượng…

PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng do nhiều nguyên nhân du lịch TP.HCM phát triển chưa tương xứng vị thế và đáp ứng được kỳ vọng của thành phố cũng như Du lịch Việt Nam. Trong số nguyên nhân đó là do công tác quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch. Thể hiện ở việc chưa đạt được những mục tiêu mà QLNN về du lịch đặt ra và chưa tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách tạo đột phá để phát triển du lịch. Ông Phạm Trung Lương đề xuất, thành phố cần học hỏi kinh nghiệm QLNN về du lịch của nhiều thành phố khác trong khu vực có nền du lịch phát triển tốt như Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc)… ở các điểm sau: Phải có chiến lược/quy hoạch/kế hoạch phát triển với tầm nhìn và các bước đi cụ thể phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội; phải có được sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với “cầu” của các thị trường trọng điểm để tạo sự khác biệt; có môi trường du lịch an toàn thân thiện với khách và phải có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật từ phía các doanh nghiệp du lịch và du khách… Để có thể thực hiện có hiệu quả những bài học kinh nghiệm quốc tế đối với QLNN về du lịch trên đây, cần có sự quan tâm đầy đủ hơn của UBND TP.HCM, Bộ VHTTDL, TCDL để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ QLNN về du lịch của Sở Du lịch TP.HCM tương xứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra, TP.HCM là thành phố hàng đầu cả nước nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Chậm trễ như vậy thì đoàn tàu Du lịch sẽ đi về đâu? Tại toạ đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Chiến lược phát triển du lịch của thành phố giai đoạn tới đã làm nhưng chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, nên hiện nay UBND thành phố đang có chủ trương làm lại. Sở Du lịch TP.HCM đang kêu gọi, thuê tư vấn nước ngoài cùng tham gia, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành công tác này”.

Quá nhiều sản phẩm nhưng không có cái nào “hot”

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng: “Du lịch thành phố muốn tạo ra bước ngoặt trong phát triển du lịch thì phải xoáy vào sản phẩm du lịch đặc thù. Chứ như hiện nay, thành phố có quá nhiều sản phẩm nhưng không biết chọn cái nào, đẩy cái nào lên và không có sản phẩm nào là “hot”. Đáng chú ý, du lịch đường sông luôn được xác định là mũi nhọn nhưng các nhà đầu tư vào đây cho rằng họ “vừa lãng mạn vừa hoang mang” vì còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ, nên khó có thể phát triển được. Làm là lỗ”.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ: Quy hoạch và khai thác phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Thời trang… hiện nay còn khá đơn điệu và chưa thật sự toát lên được nét hấp dẫn, sôi động của thành phố. Các hoạt động ẩm thực đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố, sự kiện văn hóa quần chúng, nơi để khách cảm nhận được nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của Việt Nam bị bỏ ngỏ. Thay vào đó, phố đi bộ Bùi Viện như một “phố nhậu”, “phố ngồi”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng chung tình cảnh ấy. “Đã đến lúc TP.HCM cần xây dựng lại, quy hoạch từng loại sản phẩm du lịch, mới thật sự phát huy được hiệu quả. Du lịch không phải chỉ ăn chơi, nhảy múa. Thành phố cần nhanh chóng thống kê chính sách, đánh giá, định hướng để quy hoạch thị trường, từ đó phân loại sản phẩm cho phù hợp, nếu không sẽ lỡ thời cơ phát triển và mất thị trường”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tours góp ý: “Thành phố cần tăng thêm giá trị sản phẩm bằng tinh thần và thái độ phục vụ với nụ cười niềm nở và thái độ thân thiện. Đồng thời phải nâng cấp, quản lý để có những phố đi bộ du lịch đúng nghĩa. Thành phố cũng cần phải là một trung tâm ẩm thực và quà tặng đặc thù của Việt Nam”.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, TP.HCM cần có sản phẩm mới, phù hợp để kéo dài thời gian lưu trú và tham quan của khách. Đồng thời, khuyến khích các “đại gia” đầu tư những khu phức hợp du lịch; tập trung phát triển du lịch cộng đồng với các homestay theo quy chuẩn mới; kết nối trung tâm thành phố với các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, làng nghề, văn hóa, lịch sử. Tập trung phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn và khu liên hợp các trò chơi mạo hiểm, huấn luyện ngoài trời.

KHẢI HOÀN

Báo Văn Hóa

largeer