Đề phòng cơn bão số 16 từ ám ảnh nỗi đau cơn bão Linda

Thứ sáu, 22/12/2017, 06:11 AM

Gần cuối năm, biển Đông vừa qua áp thấp nhiệt đới lại sắp đón nhận thêm một cơn bão mới đang tiến vào. Dự báo vùng bị ảnh hưởng là các tỉnh Nam bộ, đường đi và hình thành của của bão này cũng gần giống như cơn bão Linda cách đây 20 năm.

Empty

Dự báo thời tiết, bão số 16 có tên quốc tế Tembin giật cấp 12 đang tiến vào biển Đông và hướng đi của nó là tây tây nam. Ngày 21/12, vị trí tâm bão Tembin ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 129,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển phía đông khu vực miền Nam Philippin khoảng 360km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Tembin di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 7h ngày 22/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 125,3 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão Tembin tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7h ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, cách phía nam đảo Palawan của Philippines khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Bản tin khô khan vậy, nhưng các tỉnh ven biển phía nam mấy ngày nay thời tiết bất thường. Chưa bao giờ trời trở lạnh đến thế. Nhiệt độ tại Bạc Liêu, Cà Mau có nơi xuống chỉ còn 21 độ C. Điều này rất lâu rồi mới xuất hiện. Trời lại mưa lất phất, gió có lúc lại nổi lên, nhiệt độ xuống thấp bất thường dự cảm một điều gì đó rất khó lường của thời tiết ngày càng cực đoan.

Cách đây đúng 20 năm cơn bão Linda vào Cà Mau

Bà Phạm Ngọc Ánh, SN 1944, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh có đến 4 người con nằm lại sau cơn bão Linda ngậm ngùi “3 ngày nữa là đến ngày giỗ của tụi nó rồi. Tôi làm giỗ chung cho cả 4 đứa. Tội nghiệp khi chết, chưa đứa nào có gia đình”.

20 năm sau cơn vão Lida đi qua, nhưng bà Trần Thị Lăng, xã Khánh Hội, huyện U Minh vẫn còn nhớ như in cái ngày mà chồng bà là ông Trần Văn Oanh đi mãi, đi mãi không về. Những người lân cận nhà bà cho biết: “Khoảng 10 năm nay bà ấy mới bỏ thói quen chiều chiều ra mé biển nhìn những đoàn tàu trở về với niềm hy vọng biết đâu…”.

5 đưa con của bà đã lớn dần theo thời gian, niềm vui từ gia đình, từ những sẻ chia của chính quyền địa phương phần nào vơi đi nỗi đau từ cơn bão dữ.

Bão Linda (bão số 5) xuất hiện từ ngày 1 đến 3/11/1997, là cơn bão gây thiệt hại nặng nhất về người và của cho Nam bộ và vùng biển phụ cận trong khoảng 100 năm qua. Tại Cà Mau, bão đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích, 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác, tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 8 lần thu ngân sách toàn tỉnh (tính năm 1997).

Đừng nghĩ miền Tây không có bão

Thiệt hại nặng nề của cơn bão Linda đến các tỉnh phía Nam đã thật sự làm thay đổi nhận thức của người dân ven biển phía Nam rằng miền Tây không có bão. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết: “Lúc đó, Bạc Liêu mới vừa tái lập, điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn; hệ thống liên lạc từ đất liền đến các tàu đánh cá còn hạn chế, phương tiên đánh bắt cũng nhỏ…Và điều đáng chú ý là khi kêu gọi người dân vào tránh bão họ lại không tin. Chính điều này gây nên thiệt hại lớn”.

Empty

Ông Lương Ngọc Lân cho biết: “Để hạn chế thiệt hại do bão gây ra, kinh nghiệm từ bão Linda, Bạc Liêu đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó kịp thời. Hiện nay hệ thống cảnh báo bão của tỉnh đã được đầu tư thực hiện, các phương án ứng phó bão cũng được triển khai thực hiện khá tốt”.

Tại Cà Mau, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NNPTNT nhận định: “Thiệt hại do cơn bão Linda đã được tổng kết, đánh giá. Chúng tôi nhận thức rõ rằng miền Tây có bão và khi xảy ra bão thiệt hại rất nặng nề. Do đặc điểm, tập quán của người dân sống ven biển, do điều kiện hạ tầng... Hàng năm chúng tôi đều tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, nhưng 3 năm gần đây chúng tôi chuyển từ diễn tập sang tập huấn. Những người được tập huấn là những người trực tiếp phòng tránh bão nên hiệu quả cao hơn. Chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với Bộ Đội biên phòng, Hải đội… liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền ra khơi; xây dựng, hướng dẫn địa điểm cho các tàu thuyền trú ẩn an toàn mỗi khi có bão”.

Các tỉnh ven biển phía nam, nhất là ĐBSCL không thể lơ là với bão. Ngay cơn bão số 15 vừa tan, Bạc Liêu, Cà Mau cũng lên kế hoạch ứng phó, nghiêm cấm tàu tuyền ra khơi.

Cơn bão số 16 còn diễn biến phức tạp, mọi sự chuẩn bị ứng phó để không lặp lại thiệt hại trở thành thảm họa như cơn bão Linda là điều rất cần thiết.

Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Bão Linda là cơn bão lớn đầu tiên người dân Nam bộ phải đối mặt và cũng là cơn bão ám ảnh họ suốt cả cuộc đời. Được biết, những dự báo về cơn bão lịch sử này đã được đưa ra, nhưng không nhiều người tin đó là sự thật.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT- Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt Trung ương Lê Huy Ngọ cho hay, cơn bão Linda bất ngờ và "dị thường" đến mức đổ bộ vào Cà Mau- "vùng đất hàng trăm năm không có bão". Chính vì thế, người dân, thậm chí cả cán bộ, chính quyền địa phương ở đây cũng không thể tin rằng, cơn bão Linda lại gây ra một thảm họa kinh hoàng như vậy.

Theo Hoàng Huy - NTD

Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Đất Mũi ( thiệt hại của bão Linda)

largeer