Đề thi THPT quốc gia năm 2018: "Dài và khó, tính phân hóa cao"

Thứ tư, 27/06/2018, 15:51 PM

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) TP.HCM trong buổi họp báo ngay sau kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc vào trưa 27/6.

Theo ông Hiếu, các môn thi đều có những câu hỏi dài và rất khó, có tính phân hóa cao. Với mục tiêu tốt nghiệp THPT thì đa số học sinh có thể nhận biết, dùng các phương pháp để suy luận và chọn lựa được kết quả đúng. Nhưng để giải được những câu khó dùng để phân loại thí sinh, đặt mục tiêu vào các trường đại học top đầu, đòi hỏi học sinh phải thực sự giỏi, có quá trình rèn luyện và làm các thể loại bài như vậy mới giải quyết được hết các bài trong kỳ thi vừa qua.

Trước nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn toán năm nay rất khó, ông Hiếu cho rằng: “Tôi cũng là một giáo viên dạy toán, rõ ràng là đề toán năm nay rất khó, có một số câu rất khó và dài, đòi hỏi học sinh phải giải như một bài tự luận thì mới có kết quả để đối chiếu mà chọn đáp án đúng”. Ông Hiếu cũng nhận định, với thời gian làm bài ngắn, đề thi dài, thí sinh rất khó để đạt điểm 10 môn toán.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT TP.HCM. Ảnh: LG

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT TP.HCM. Ảnh: LG

Phát biểu tổng kết tại họp báo, ông Hiếu cho biết TP.HCM có duy nhất một thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế thi. Theo đó, trong lúc làm bài thi môn văn tại điểm thi trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), một học sinh trường Hàn Thuyên bị giám thị phát hiện mang theo điện thoại di động vào phòng thi. Ngay lập tức, thí sinh bị lập biên bản, đình chỉ thi văn và những môn thi còn lại. Không có cán bộ vi phạm quy chế thi.

Ngay chiều nay (27/6), TP.HCM bắt đầu các khâu rọc phách, làm mã, quy trình chấm theo đúng quy định của Bộ GD & ĐT. Ngày 30/6, giám khảo sẽ tập trung chấm thi. Tất cả cán bộ chấm thi là giáo viên THPT đang giảng dạy lớp 12. Với khoảng 700 giáo viên chấm thi, dự kiến khoảng 1 tuần thì chấm xong. Hiện TP.HCM là đơn vị có đủ điều kiện để hồi phách 100% (theo quy định của Bộ GD & ĐT là lấy xác suất 20%) từng bài thi của các thí sinh để đảm bảo chính xác 100% giữa bài làm và phiếu chấm điểm.

Giáo viên dạy toán tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) “kêu trời” thay học sinh ngay sau buổi thi môn toán kết thúc

Giáo viên dạy toán tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) “kêu trời” thay học sinh ngay sau buổi thi môn toán kết thúc

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, qua đề thi minh họa của Bộ GD & ĐT đưa ra trước đó cũng như đề thi năm nay, các trường THPT sẽ phải rút kinh nghiệm, đánh giá đúng trình độ của học sinh và hướng mục tiêu của mỗi em để giúp học sinh có định hướng học tập rõ ràng ngay từ đầu. Sang kỳ thi THPT năm sau, Bộ sẽ ra đề thi có kiến thức nằm cả lớp 10-11-12. Do đó, việc dạy và học phải được lên kế hoạch rất sớm để các em vừa học chương trình mới ở lớp 12 vừa phải có thời gian cũng cố, ôn tập kiến thức của lớp 10-11.

TP.HCM có 78.332 thí sinh đăng ký thi THPT. Trong ngày thi đầu tiên, môn văn 78.017 thí sinh, vắng 315 thí sinh. Môn toán 77.918 thí sinh, vắng 414 thí sinh.

Ngày 26/6, buổi sáng thi bài thi tổ hợp KHTN, môn vật lý vắng 184 thí sinh trong tổng số thí sinh dự thi là 48.926 thí sinh; môn hóa dự thi 49.228 vắng 213 thí sinh; môn sinh có 49.141 thí sinh dự thi, vắng 153. Chiều cùng ngày, có 69.411 thí sinh dự thi môn ngoại ngữ, vắng 354 thí sinh.

Sáng nay 27/6, môn sử có 27.941 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 202 em; còn môn địa dự thi 27.088 vắng 180 thí sinh; môn giáo dục công dân dự thi 22.918 thi sính, vắng 84 thí sinh.

La Giang - Bích Ngọc

Theo NTD

largeer