Đề xuất cho phép bán SIM di động thoải mái nhưng dữ liệu thông tin thuê bao phải chính xác

Thứ tư, 03/10/2018, 09:10 AM

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), việc triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không đạt được mục tiêu quản lý đề ra, có doanh nghiệp "lách luật".

Quy định về điểm cung cấp dịch vụ viễn thông gây khó khăn cho cả khách hàng và doanh nghiệp

Quy định về điểm cung cấp dịch vụ viễn thông gây khó khăn cho cả khách hàng và doanh nghiệp

Nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM quá dễ dàng (người sử dụng có thể mua SIM ở cả cửa hàng tạp hóa, nhà dân), Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định, việc cung cấp SIM chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác, sau khi đã hoàn thành việc cung cấp đủ và đúng thông tin thuê bao theo quy định.

Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (cố định và di động) của doanh nghiệp; ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác để thiết lập các điểm ủy quyền (cố định).

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, Bộ TT-TT cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các điểm cung cấp dịch vụ, đặc biệt là điểm cố định do chi phí thiết lập cao, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Điều này cũng gây khó khăn cho người sử dụng trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, vì chưa có tiêu chí rõ ràng để phân biệt điểm cố định/di động và thế nào là thiết lập, nên một số doanh nghiệp đã lách luật bằng cách ký hợp đồng triển khai điểm lưu động với các cộng tác viên với lý do theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cộng tác viên cũng được công nhận là nhân viên của doanh nghiệp.

"Các kết quả triển khai cho thấy, việc triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không đạt được mục tiêu quản lý đề ra. Đồng thời lại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống kênh bán hàng cũng như dẫn tới nhiều người dân khó tiếp cận dịch vụ. Vì vậy các doanh nghiệp đều đang kiến nghị cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp" - Bộ TT-TT nêu.

Thực tế gần đây cho thấy, mặc dù SIM số không còn được bán tại các cửa hàng tạp hóa hay quán trà đá như trước kia, song tình trạng SIM số đăng ký sẵn, không rõ chủ thuê bao là ai vẫn diễn ra tràn lan. 

Tại các cửa hàng bán thẻ điện thoại quy mô lớn hay cửa hàng bán các thiết bị có sử dụng SIM như: đồng hồ định vị... đều có bán sẵn SIM đã đăng ký thông tin thuê bao, khách hàng không cần thực hiện bất kỳ thao tác đăng ký nào, chỉ lắp SIM vào là nghe gọi như thường.

SIM số cũng được bán tràn lan trên mạng xã hội với lời giới thiệu không chỉ sử dụng được ngay mà còn được ưu đãi lớn về cước data. 

Để doanh nghiệp tự quản?

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, sau 3 tháng kể từ ngày 24/7/2017, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; Rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ SIM đã được phân phối cho đại lý. 

Nghị định này cũng quy định chi tiết các hành vi bị cấm, trong đó có việc giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định; Mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước...

Các đại lý bán SIM thẻ cũng bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Hoặc bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…

Trước thực trạng này, Bộ TT-TT đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng, doanh nghiệp viễn thông phải có trách nhiệm "thiết lập hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, ban hành quy trình nội bộ để thu thập, lưu giữ, rà soát, kiểm tra, bảo đảm thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình là đầy đủ và chính xác".

Điều này đồng nghĩa với việc nhà mạng được phép tự phát triển hệ thống cửa hàng, đại lý phân phối SIM cho mình theo cách của họ, miễn là họ phải đảm bảo thông tin đăng ký là chính xác, đúng quy định. 

Đồng thời, dự thảo Nghị định mới cũng đưa ra các hành vi bị cấm gồm: Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng;

Nhập sẵn thông tin thuê bao; sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa hoàn thành việc nhập, lưu giữ đầy đủ, chính xác các thông tin thuê bao theo quy định;

Và mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Hà Linh

Theo Anninhthudo

largeer