Đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại TP.HCM liệu có hiệu quả?

Thứ năm, 16/08/2018, 22:20 PM

Đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS TP.HCM đang được xem xét và được đánh giá là mang tính nhân văn. Tuy nhiên, dư luận vẫn trăn trở về việc liệu khi đi vào thực hiện, đề xuất này có hiệu quả hay không.

 Tại buổi làm việc với sở GD&ĐT TP.HCM về công tác chuẩn bị năm học mới vừa diễn ra, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, có thể từ tháng 1/2019, học sinh bậc THCS tại TP.HCM sẽ được miễn học phí.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở G&ĐT TP.HCM, năm học 2018 – 2019, dự kiến toàn thành phố có 1.677.581 học sinh, tăng 67.234 em. Trong đó tập trung vào bậc mầm non tăng 20.225 học sinh và bậc tiểu học tăng 26.812 em. 

Tình hình gia tăng tập trung tại những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh kéo theo dân số tăng cơ học cao. Tính riêng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15.000 em.

Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp và học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, dự kiến năm học 2018-2019, thành phố đưa vào sử dụng 882 phòng học... 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1/2019, học sinh bậc THCS tại TP.HCM sẽ được miễn học phí. Việc này đã được giao cho sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, thông qua vào cuối năm nay.

Học sinh bậc THCS tham gia kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10 năm học 2018-2019.

Học sinh bậc THCS tham gia kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10 năm học 2018-2019.

Chia sẻ với PV, một Hiệu trưởng trường THCS tại quận 1 (TP.HCM) khẳng định, chủ trương miễn học phí cho các em học sinh bậc THCS tại thành phố chắc chắn sẽ thuận lợi cho gia đình các em học sinh, sẽ nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao từ phía phụ huynh.

Hơn thế, đó cũng là cơ hội tốt cho những em học sinh bậc THCS sinh sống tại các quận huyện vùng ven, dân nhập cư nhiều, điều kiện kinh tế khó khăn. Việc này giúp các em có cơ hội đến trường học tập tốt hơn. Đây là một việc làm mang tính nhân văn của thành phố. 

Tuy nhiên, về mặt ngân sách, nhà trường sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố thì nhà trường sẽ khó khăn hơn. Chẳng hạn, nếu mỗi học sinh được miễn 100.000 đồng và trường có 1000 học sinh thì mỗi tháng sẽ bị trừ số tiền 100.000 đồng x 1000 học sinh = 100.000.000 đồng. Như vậy ngân sách nhà trường sẽ thâm hụt gây khó khăn cho hoạt động của trường.

"Chúng tôi đang chờ kết quả xem đề xuất này có được thực thi và có mang lại hiệu quả lâu dài. Nếu ngân sách thành phố hỗ trợ, e rằng về lâu về dài, sẽ ảnh hưởng nguồn ngân sách thành phố. Do đó, tôi cho rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện", vị Hiệu trưởng này cho biết.

Trong khi đó, nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai cho rằng, năm học vừa qua, TP.HCM thu học phí bậc THCS tương đương số tiền hơn 300 tỷ đồng. Nếu các trường không thu học phí thì các hoạt động giáo dục tại trường sẽ như thế nào, vì hoạt động nào cũng cần kinh phí.

"Do đó, đề nghị  sở GD&ĐT và sở Tài chính phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, tính toán cân đối ngân sách cho phù hợp. Mặc dù, hiện nay, chủ trương của thành phố miễn học phí là một quyết định mang tính nhân văn nhưng vẫn phải tính toán lại", ông Ngai nói thêm.

Chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh có con học tại một trường THCS quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết: "Học phí học sinh bậc THCS mỗi tháng chỉ có 100.000 đồng, miễn bao nhiêu đó cũng chẳng thấm vào đâu nếu mục đích miễn học phí là giúp học sinh nghèo".

"Bởi, con tôi đi học lớp 6, bán trú, mỗi tháng đóng gần 1,3 triệu đồng bao gồm các khoản. Nên xem xét lại việc giảm học phí cho học sinh nghèo, học vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện cho các em đến trường...", chị Anh cho biết thêm.

Lành Nguyễn

Theo Người đưa tin

largeer