Di dời trụ sở Bộ ngành: Đừng để DN lấy đất xây cao ốc

Thứ tư, 28/03/2018, 18:31 PM

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc di dời xuất hiện tình trạng lấy đất xây cao ốc, như thế sẽ không giải quyết được việc giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực nội đô…

Vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội đã làm nóng Hội thảo Khoa học thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô diễn ra sáng 28-3. Nhiều chuyên gia cảnh báo việc di dời xuất hiện tình trạng lấy đất xây cao ốc, như thế sẽ không giải quyết được việc giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực nội đô…

TS Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay vấn đề di dời đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được.

TS Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay vấn đề di dời đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được.

Tham luận tại hội thảo, KTS Bùi Xuân Tùng (Sở QHKT Hà Nội) cho hay sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), nhiều cơ chế chính sách đặc thu cho thủ đô bước đầu đã giúp Hà Nội chủ động thu hút các nguồn lực để phát triển, tuy nhiên trong đó vẫn còn 1 số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một trong số đó là việc di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp còn chậm vì thiếu nguồn lực.

Ông Tùng thông tin, đến nay danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời vẫn được các bộ ngành triển khai, chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Trong thời gian qua một số đơn vị đã di dời ra khu vực nội thành nhưng quỹ đất sau khi di dời phần lớn được sử dụng làm cơ sở 2, hoặc lập dự án đầu tư xây dựng, không bàn giao quy đất cho TP để quản lý, khai thác sử dụng vào phát triển…” – ông Tùng nói.

Cùng nội dung này, TS Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được. “Các bộ ngành đã di dời đều lấy đất để làm cơ sở 2, nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời. Thủ tướng Chính phủ ra lộ trình rồi nhưng cấp dưới chẳng ai thực hiện theo.

Như trường hợp Bệnh viện K, Hà Nội đã giao mấy ha đất tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) để xây dựng cơ sở mới, nhưng giờ họ vẫn xin được sử dụng đất ở cơ sở cũ (quận Hoàn Kiếm) để làm cơ sở chữa bệnh” – ông Nghiêm dẫn chứng.

Nguyên PCT UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi

Nguyên PCT UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi

Ông Nghiêm cho hay vấn đề này đã được Luật Thủ đô đề cập nhưng vướng mắc không thực hiện được nhiều năm nay, bản thân Hà Nội muốn thu cũng không thu được vì không đủ mạnh để làm.

“Hội thảo hôm nay có anh Khôi (Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) ngồi đây. Hồi làm PCT TP Hà Nội, anh Khôi cũng không dám nói mạnh khi để cập đến vấn đề thu hồi đất tại các cơ sở phải di dời…” – ông Nghiêm nói.

Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Nghiêm đề nghị nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không để tình trạng “các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với DN xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành”.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên PCT UBND TP Hà Nội cho biết đây là vấn đề tồn tại lâu. Để giải quyết tồn tại này thì cần giải quyết cơ chế về giá đất, đồng thời các cơ sở di dời phải đưa phần đất di dời cho TP đấu giá, giữ lại một phần để đầu tư phát triển Thủ đô.

Theo báo cáo của Công an TP. Hà Nội, trước thời điểm Luật thủ đô có hiệu lực thi hành, TP có khoảng 1,88 triệu hộ, tương ứng với 6,8 triệu nhân khẩu. Kết quả Tổng kiểm tra hộ khẩu năm 2017 (tính đến ngày 15-11-2017 toàn thành phố có gần 2,06 triệu hộ, tương ứng với 7,41 triệu nhân khẩu), như vậy sau năm năm thực hiện Luật Thủ đô, dân số Hà Nội tăng khoảng 600 nghìn nhân khẩu. Hiện mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 2.213 người/km2, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành, trong đó Đống Đa có mật độ dân số cao nhất (32.213 người/km2) gấp 45 lần so với huyện Ba Vì (712 người/km2).

Cũng theo Công an TP. Hà Nội, dân số tăng nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được dẫn đến sự quá tải, bức xúc của người dân trong nhiều lĩnh vực như nhà ở, giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, môi trường… Đặc biệt các đối tượng phạm tội, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, hoạt động có tổ chức, manh động, phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và gây khó khăn đến việc hoạch định các chính sách phát triển KTXH ở Thủ đô.

 TRỌNG PHÚ

Theo PLTP

largeer