Đi tìm phiên chợ quê thời thơ ấu

Thứ hai, 09/07/2018, 14:11 PM

Chợ quê hồi đó không có chuyện nói thách hay mặc cả vì người bán hay người mua ai cũng nghèo như ai, không dư giả gì. Cả đời mẹ tôi cũng gắn bó với ngôi chợ quê này mấy mươi năm làm cái nghề đong gạo, chắt chiu từng đồng bạc lẻ nuôi nấng anh em tôi trưởng thành nên người.

Empty

Nhà tôi ở quê, gần chợ, đi bộ chừng gần mươi phút là đã tới chợ. Chợ nhỏ hơn chợ thị xã, chừng vài ba chục người bán. Tiếng là “chợ quê” nhưng chợ cũng khá xôm tụ với nhiều người bán kẻ mua. Chợ toàn người buôn bán trẻ, hiếm có người già nào buôn bán, mưu sinh. 

Sạp vải, hàng mắm, hàng thịt... nằm ở phía trên cùng, còn hàng rau quả, hàng cá... ở phía dưới. Chợ quê giờ có sạp, có chỗ để người bán ngồi bán đàng hoàng với nhiều mặt hàng hóa phong phú hơn. Nhiều mặt hàng “ngoại nhập” được bày bán bắt mắt hơn để người mua thỏa mái lựa chọn... 

Thậm chí là hàng “lai căng”, hàng nhái, hàng giả thương hiệu, hàng xuất xứ từ Trung Quốc giờ cũng được bày bán tràn lan ở chợ quê, nhất là giày da, túi xách, quần áo. Chợ quê vào những ngày cuối năm, ngày cận Tết đông đúc, không có lối đi. Tiếng người bán người mua mặc cả ồn ào cả một góc chợ. 

Tôi nhớ những năm thập niên 90, chợ quê hồi đó chỉ vỏn vẹn hơn chục người bán, đa số người già, nghèo, buôn bán để kiếm tiền, mưu sinh. Đồ bán ở chợ quê hồi đó đôi khi chỉ là rổ cá, mớ rau hay rổ trái cây kiểu “cây nhà lá vườn”, dùng không hết mang ra chợ bán để kiếm chút tiền mua mắm mua rau. Hồi đó, đồ bán cũng toàn là đồ sạch, không thuốc trừ sâu nên người đi chợ hoàn toàn yên tâm. 

Chỗ ngồi buôn bán ở chợ quê cũng rất “đặc biệt”, chỉ là cái đòn gánh nhựa hay đòn gánh gỗ cầm tay hoặc có khi người bán ngồi bệt xuống đất để bán.

Chỗ ngồi của người bán cũng không cố định, trừ hàng mắm được che chắn bằng tấm bạt hay tấm ni lông dài, còn hàng rau, cá... thì vì mớ rau quả, con cá của nhà dùng không hết nên lâu lâu hay vài ba bữa người bán mới mang ra chợ quê để bán. Do vậy, chỗ ngồi bán ở đâu chả được, không ai tranh giành. Đang bán trời bỗng nhiên đổ mưa lớn, người bán hay người mua tranh thủ chạy vào ngôi chùa gần đó để trú. 

Tuyệt nhiên, chợ quê hồi đó không có chuyện nói thách hay mặc cả vì người bán hay người mua ai cũng nghèo như ai, không dư giả gì. Cả đời mẹ tôi cũng gắn bó với ngôi chợ quê này mấy mươi năm làm cái nghề đong gạo, chắt chiu từng đồng bạc lẻ nuôi nấng anh em tôi trưởng thành nên người. 

Nhớ nhất hồi đó, có một bà lão gần 80 tuổi bán mắm ở chợ. Tôi thích ghé chợ mua mắm của bà để được nhìn thấy bà vừa bán vừa bỏm bẻm nhai trầu. Bà có thói quen mỗi lần bán xong cho tôi hay cho ai bà cũng dặn lại một câu “nhớ lần sau có mua mắm muối gì ghé mua giúp bà nghen con...”!  

Chợ quê mỗi khi vào dịp Tết, không khí trở nên rôm rả hơn so với ngày thường. Người bán, người mua cũng nhiều hơn. Rau quả, thịt cá nhiều hơn, nhang đèn, quần áo giấy cúng ông bà cũng nhiều hơn. Ngày thường, chợ quê chỉ họp từ tờ mờ sáng cho đến hơn 6 giờ chiều. Ngày cận Tết, chợ quê có khi kéo dài đến khuya để... chờ người làm đồng về trễ hoặc người bận công việc để kịp lên chợ quê mua con cá, cân thịt hay nhang đèn về kịp cúng ông bà, tổ tiên. 

Cảm giác chợ quê giờ như thiêu thiếu thứ gì đó gần gũi, thân quen trong ký ức mình.  

Nguyễn Đước

Theo phunuvietnam.vn

largeer