Điện máy Trần Anh: Từ ông lớn "chê tiền" ngân hàng tới kẻ "bán mình" thất bại

Thứ năm, 16/11/2017, 10:42 AM

Trước khi Thế giới di động xuất hiện, Trần Anh vượt qua rất nhiều hãng điện máy khác trở thành số 1 thị trường Hà Nội nhờ "chê tiền" ngân hàng. Nhưng tới nay, Trần Anh trở thành kẻ thất bại khi vừa phải "bán mình", vừa phải công bố những khoản lỗ liên tục.

Ông lớn "chê" tiền ngân hàng

Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh thành lập năm 2002 với tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trần Anh. Với thế hệ 7X và 8X ở Hà Nội, Trần Anh là địa chỉ mua sắm máy tính và linh kiện tin cậy nhất. Các sản phẩm của công ty này đảm bảo chất lượng và đặc biệt có mức giá cạnh tranh nhất trên thị trường. Trần Anh hoạt động theo chiến lược tỷ suất lợi nhuận thấp để thu hút khách.

Anh Nguyễn Bình, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa kể: "Ngày đó, máy tính là thứ xa xỉ. Tiền có ít nên chúng phải tới tất cả các cửa hàng điện máy ở Hà Nội để khảo giá. Chỉ cần rẻ hơn vài chục ngàn đồng là chúng tôi thích. Và nhiều người cùng nhận thấy Trần Anh là nơi bán rẻ nhất".

Những sinh viên thế hệ 8X ở Hà Nội vẫn nhớ hình ảnh công ty Trần Anh "đời đầu". Khi đó, Trần Anh bán hàng trong một con phố nhỏ. Vợ chồng ông chủ là người trực tiếp tư vấn và bán hàng cho khách. Vì thế, nhiều người khá ngạc nhiên khi chứng kiến Trần Anh lớn mạnh nhanh chóng, lấn át tất cả các đối thủ khác.

Từ vị thế siêu thị điện máy số 1 Hà Nội, Trần Anh đã rơi vào cảnh phải

Từ vị thế siêu thị điện máy số 1 Hà Nội, Trần Anh đã rơi vào cảnh phải "bán mình".

Điểm nhấn trong hoạt động của Trần Anh chính là niêm yết mức giá thấp nhất thị trường và hoạt động không dựa vào vốn vay ngân hàng. Mấy năm trước, Trần Anh được báo chí đánh giá vui là đại gia "chê" tiền ngân hàng.

Thành lập từ năm 2002 nhưng tới quý 1/2013 - nghĩa là sau tròn 1 thập kỷ hoạt động, Trần Anh vẫn chưa phải đi vay. Theo báo cáo tài chính quý 1/2013, nợ phải trả tại Trần Anh là 131 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 144 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Trong đó, Trần Anh không ghi nhận bất cứ khoản nợ vay phát sinh nào. Vì vậy, Trần Anh lại có thêm một kỳ mà chi phí lãi vay bằng 0 đồng.

Giải thích với báo chí về việc không vay vốn ngân hàng, ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cho biết: "Nếu nói tiềm lực tài chính của mình mạnh, không cần vay thì không đúng lắm. Bản chất của kinh doanh bán lẻ đa phần là sử dụng vốn do các nhà cung cấp cho nợ thôi. Nên nếu hoạt động có hiệu quả, thì không phải sử dụng vốn vay". Không dùng vốn vay ngân hàng nhưng Trần Anh tận dụng vòng quay của hàng tồn kho để kinh doanh.

Kẻ "bán mình" thất bại

Từng đứng đầu trong làng điện máy Hà Nội nhưng hiện nay, Trần Anh không những không giữ được vị trí của mình mà còn trượt dài với những khoản lỗ xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh sự trỗi dậy của Thế giới di động và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ khác, nguyên nhân khiến Trần Anh đi lùi là "biết" vay vốn ngân hàng và không duy trì chiến lược cạnh tranh về giá.

Trần Anh bắt đầu có mối quan hệ nợ vay với ngân hàng từ quý 2/2013. Đó là thời điểm công ty này ôm mộng mở rộng quy mô hoạt động. Trong năm đầu tiên đi vay vốn, lợi nhuận sau thuế của Trần Anh giảm sâu từ 31 tỷ đồng của năm 2012 xuống chỉ còn 3,1 tỷ đồng.

Kể từ đó đến nay, Trần Anh không ngừng đi vay. Tính tới cuối năm 2016, tổng nợ tại Trần Anh lên tới 1.126 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thu về chỉ đạt 21,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2012 - thời gian Trần Anh chưa đi vay.

Còn nếu xem xét lợi nhuận theo quý, tình trạng bê bết của Trần Anh lộ rõ hơn. Trong quý 3/2016, Trần Anh thua lỗ gần 6 tỷ đồng dù doanh thu lên tới 877 tỷ đồng. Tới quý 2/2017, theo báo cáo tự lập, Trần Anh lỗ thêm 7,5 tỷ đồng với doanh thu giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo báo cáo do kiểm toán KPMG soát xét, số lỗ 4,9 tỷ đồng của Trần Anh đã tăng lên 11,7 tỷ đồng.

Chưa hết, đầu năm nay, Trần Anh khiến thị trường chứng khoán xôn xao khi "bán mình" cho đối thủ Thế giới di động.

Ngày 20/8/2017, Hội đồng quản trị Trần Anh đã thông qua các nội dung xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Một trong những nội dung chính trong đợt xin ý kiến này là đề nghị Đại hội đồng cổ đông xem xét chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động về việc thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu TAG dẫn đến việc sở hữu trên 25% vốn điều lệ của Trần Anh mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Phải "bán mình", có lẽ những cổ đông sáng lập của Trần Anh không hẳn vui nhưng cổ đông thì khác. Họ kỳ vọng sau khi bị Thế giới di động, Trần Anh sẽ khởi sắc, bù đắp cho họ những thiệt thòi trong nhiều năm qua.

Theo Vy Vy-NTD

Từ khóa:

largeer