Đồ ăn, nước uống trong SVĐ Mỹ Đình... có quá đắt!?

Thứ hai, 18/11/2019, 09:26 AM

Trong trận Việt Nam 1-0 UAE mới đây, một CĐV phàn nàn về tình trạng chặt chém bán hàng trong SVĐ Mỹ Đình. Nhiều ý kiến cho rằng, giá đắt này do ban quản lý SVĐ Mỹ Đình "tiếp tay" cho những người mua bán chặt chém CĐV, thực hư câu chuyện ra sao?

Hình ảnh được 1 CĐV đăng tải lên mạng Facebook gây tranh cãi dư luận về vấn đề này.

Hình ảnh được 1 CĐV đăng tải lên mạng Facebook gây tranh cãi dư luận về vấn đề này.

Đồ ăn, nước uống ở SVĐ Mỹ Đình có thật sự đắt đỏ?

Theo phản ánh của cổ động viên (CĐV) này, bên ngoài sân vận động (SVĐ) chai nước 5 đến 10 nghìn đồng, 10 nghìn đồng 1 quả trứng, 10 nghìn đồng một cái bánh bao. Nhưng chỉ cách đó 50m, qua hàng rào sắt, hoàn toàn trong khuôn viên của SVĐ, thuộc tài sản của quốc gia, vài chục quầy hàng đồng loạt tăng giá gấp 5-6 lần. Giá một chai nước lên tới 30 – 50 nghìn đồng, 40 – 50 nghìn đồng một cái bánh, còn giá gửi xe ô tô là 400 nghìn đồng.

Không phản biện trực tiếp bài viết của CĐV trên, nhưng trên trang Facebook cá nhân của mình, bạn Dương Vi Khoa cho rằng, việc phản ánh bán hàng đắt chặt chém CĐV cũng... không hẳn đúng.

Theo Facebooker này, đầu tiên là để phục vụ bán hàng cho mỗi lần đá bóng như thế này sẽ cần rất nhiều người phục vụ. Mà Ban quản lý sân không thể nuôi chừng đó người chỉ để 1 năm phục vụ cho hơn chục trận đấu được. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là cho đấu thầu từng khu vực bán và ai thầu được sẽ tự bán trong đó.

Nếu trường hợp được 1 khu vực bán hàng rồi thì sẽ cần phải bán như thế nào để có đủ lời trong 1 trận đấu? Giả sử trung bình 1 món đồ (nước hoặc bánh) lời khoảng 20 – 25 nghìn đồng, như vậy lúc đầu trận (lúc này bán được không nhiều) và đúng 15 phút giữa 2 hiệp (đây là thời gian bán được nhiều nhất) họ sẽ bán được bao nhiêu món hàng?

Mỗi cửa sân có mấy quầy hàng, 1 quầy giỏi lắm bán được tầm 1.000 món, coi như lời về hơn 20-25 triệu đồng. Nếu trừ tiền chi phí thầu chủ hàng chỉ còn không dưới 10triệu/quầy, còn dư được bao nhiêu, trả lương cho 4-5 người phục vụ nữa. Chưa tính đồ ăn còn ế.

Các quầy ở đây đều là thầu khác nhau nên bán giá cũng chênh nhau 1 ít và không đồng nhất, khán đài A mặc định bán đắt hơn B-C-D vì khách bên A nhiều tiền hơn. 1 năm làm được chục lần. Tính ra còn không bằng mấy ông giữ xe bên ngoài 1 đêm kiếm mấy chục triệu ngon ơ.

Ban quản lý SVĐ cũng cần nguồn thu để duy trì, bảo dưỡng sân, cần tiền trả lương cho bao nhiêu đội ngũ nhân viên làm việc ở khắp cả khu liên hợp. Nguyên 1 khu Thể thao quốc gia có mỗi cái sân Mỹ Đình là kinh doanh được nên phải tranh thủ thu tiền.

Việc trông giữ xe ô tô 300 – 400 nghìn đồng bên ngoài SVĐ là thuận mua vừa bán ai thích gửi thì gửi có thể gửi ở các khu khác xa rồi đi bộ hoặc đi xe ôm ra để xem bóng đá.

Đặt vào thế lựa chọn?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại Dương Vi Khoa khi cho rằng, việc lấy cớ bán 1 ngày (diễn ra trận đấu bóng) để bán đắt là không đúng, bởi vì là người dân người ta sẵn sàng chấp nhận một mức giá cao hơn thị trường cho cùng 1 loại mặt hàng tại SVĐ nhưng không thể “cắt cổ” tới vậy.

Bởi theo những người này, cao hơn nó vẫn phải "hợp lý". Chứ không phải lợi dụng vị thế độc quyền để ép người quá đáng, nhiều người vẫn cho rằng "thuận mua vừa bán" nhưng người dân bị rơi vào thế độc quyền không mua không được. Không cho mang đồ vào sân để đảm bảo an ninh dân thấy đúng, nhưng lợi dụng việc đó để bán hàng cao gấp chục lần thì thật khó chấp nhận.

Bạn Anh Vũ bình luận: “Do xem bóng hò hét, khát nước mà BTC không cho mang nước, đồ ăn vào sân thì bắt buộc phải cắn răng mua nước 50 nghìn đồng hay gửi xe phía ngoài, sau khi đã phải bỏ cả tiền triệu mua vé xem rồi là khó chấp nhận. Việc CĐV bị “chém đẹp” trong tình thế "không mua không được" gây ức chế cho nhiều CĐV từng đến sân Mỹ Đình”.

Bình luận trung dung hơn, chị Vũ Mai Lan - người chứng kiến vụ việc và cũng đi xem trận đấu này rồi mua nước uống trong sân Mỹ Đình thì cho rằng, việc mua chai nước 30 nghìn đồng cũng không quá “gắt” bởi vì đôi khi vào nhà hàng gọi chai nước suối bình thường giá cũng đã 20 – 30 nghìn đồng.

"Một số nhà hàng 4 sao, 5 sao chai nước lọc cũng lên 60 nghìn đồng, nhưng không ai chê đắt nhưng khi mua ở SVĐ Mỹ Đình thì lại phải nên... “cắn răng”. Bởi ngay kể cả vào rạp chiếu phim, mua cốc bỏng ngô và chai nước cũng mất cả trăm nghìn đồng nhưng ít người than thở. Nhưng rất lạ khi mua ở sân bay, hay ở sân Mỹ Đình thường nhiều người lại... chê đắt. Thuận mua vừa bán, nên mình có thể lựa chọn", chị Lan phân tích thêm.

Anh Phan Mạnh - một CĐV chứng kiến vụ việc cũng phân tích, CĐV chê chất lượng đồ ăn hay thái độ bán hàng thì còn ủng hộ, chứ chê giá cả hàng trong SVĐ này thì cũng không nên. Vì theo anh Mạnh, “sinh viên học sinh uống trà sữa giờ cũng 50-70 nghìn đồng/cốc rồi. Uống nước ngoài sân nó khác với vừa uống nước vừa xem bóng đá, cảm xúc độ sướng khác nhau hoàn toàn. Nhìn ra thế giới, các sân bay hay SVĐ của nước ngoài giá bán đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm... trong thời gian diễn ra trận đấu cũng đắt gấp 8-10 lần là chuyện thường”.

Tuy nhiên, không đồng tình với lập luận kiểu “Đắt vẫn phải mua, phàn nàn cũng phải mua” bởi chuyện mua trong thế "đặng chẳng đừng" là khó tránh... Nhiều người cho rằng, giá cả phải ở mức nào "hợp lý" và được CĐV chấp nhận được cũng là điều Ban quản lý SVĐ Mỹ Đình nên cân nhắc, tính toán trong thời gian tới.

Bởi không thể đi so chuẩn giá cả Việt Nam với nước Anh hay Pháp khi vào SVĐ, bởi mức sống và thu nhập quá khác nhau. Vẫn biết là kinh doanh phải có lãi, Ban quản lý sân Mỹ Đình cũng cần kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình, nhưng cái “phí” ấy như thế nào thì cần minh bạch thay vì đổ hết lên đầu dân.

Để rộng đường dư luận và có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, PV Infonet đang liên hệ với Ban quản lý SVĐ Mỹ Đình để hiểu rõ thực hư câu chuyện xung quanh... và sẽ có câu trả lời cho độc giả.

 K. Chi

Theo infonet.vn

largeer