Doanh nghiệp chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp

Thứ ba, 07/05/2019, 14:11 PM

Trước nay những trường hợp này nếu không tự hòa giải, các bên tranh chấp thường đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết. Tuy nhiên với nhiều bất cập về thời gian, chi phí đã khiến doanh nghiệp hướng sang lựa chọn hình thức giải quyết mới là sử dụng trọng tài thương mại.

Quy trình tố tụng trọng tài tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Quy trình tố tụng trọng tài tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp (các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010) do các bên thỏa thuận, được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án.

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã xử lý hàng chục đến hàng trăm vụ tranh chấp thương mại mỗi năm cho thấy việc lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp doanh nghiệp sẽ được giảm 30% chi phí, giảm 1/2 thời gian và rút gọn tối đa các quy trình về thủ tục trong quá trình tố tụng và giải quyết tranh chấp.

Khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có thể tìm đến các đơn vị trọng tài uy tín ở Việt Nam hiện nay như: Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương, Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính Ngân hàng Việt Nam, Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính, Trung tâm trọng tài Thương mại Đông Dương, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam,Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam…

 Việc sử dụng hình thức trọng tài còn được nhận định lợi thế hơn tòa án ở chỗ khi ra tòa án các hợp đồng tranh chấp nhiều bên đến từ nhiều quốc gia sẽ vướng phải tính pháp lý của từng quốc gia, dẫn đến khó xử lý. Trong khi đó, các trọng tài là một tổ gồm  những cá nhân có chuyên môn, trình độ đa quốc gia (được công nhận), độc lập, minh bạch và được sự chấp thuận của cả 2 bên tranh chấp sẽ giải quyết vấn đề công minh, chính xác và nhanh chóng hơn.

Đồng thời phía Tòa trọng tài Quốc tế cũng khẳng định, số vụ kiện ở Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung đang tăng lên theo từng năm. Vì thế, nhằm hoàn thiện tính minh bạch, hội đồng trọng tài sẽ được công khai và được sự chấp thuận của các bên liên quan. Đặc biệt là sẽ công bố phán quyết trên trang thông tin của Tòa trọng tài Quốc tế.

Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, thời gian là yếu tố tiên quyết trong kinh doanh. Quy trình giải quyết tại trọng tài có thủ tục nhanh, gọn hơn so với tòa án. Quyết định trọng tài có tính chung thẩm, không có thủ tục kháng cáo, kháng nghị như thủ tục tố tụng tại tòa án. Theo thống kê của VIAC, thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp là 153 ngày, có những vụ được giải quyết chỉ trong 25 – 30 ngày, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian giải quyết tranh chấp lên tới 2 năm hoặc kéo dài hơn trong thực trạng án quá tải ở các hệ thống tòa án hiện nay.

Đồng thời, giải quyết tranh chấp tại trọng tài giúp các bên giữ được bí mật kinh doanh cũng như uy tín trên thương trường. Nguyên tắc xét xử kín bởi trọng tài giúp bảo đảm tối đa việc giữ uy tín, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, nguyên tắc chung của xét xử tại tòa án là công khai. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp FDI, cơ chế xét xử kín được coi là có lợi và hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp, trong khi đó, việc xét xử công khai tạo ra nhiều rủi ro hơn về bảo mật thông tin và uy tín trên thị trường.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trao đổi mua bán quốc tế là những câu chuyện tranh chấp, xung đột khó tránh khỏi giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì thế những hỗ trợ từ hình thức trọng tài hứa hẹn sẽ là chiếc đòn bẩy giúp các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong quá trình hợp tác thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer