Doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Thứ năm, 16/08/2018, 13:46 PM

Theo Thông tư 28/2015/TT-BCT do bộ Công thương ban hành quy định thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với những tiêu chí nếu doanh nghiệp đạt được sẽ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thay vì Nhà nước cấp như trước.

Doanh nghiệp gặp khó trong tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Doanh nghiệp gặp khó trong tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu Việt Nam, sau 2 năm tham gia thí điểm giai đoạn 2 ATIGA, Việt Nam mới chỉ có 2 doanh nghiệp đủ điều kiện để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thấp nhất trong khối ASEAN. Theo đại diện các doanh nghiệp, khó khăn khiến các doanh nghiệp khó đạt chứng nhận là bởi còn vướng mắc ở tiêu chí thứ 3, đó là yêu cầu doanh nghiệp phải đạt kim ngạch XK đi ASEAN từ 10 triệu USD trở lên.

Bà Trần Thị Thiêm, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng Thịnh, cho biết: "Với tiêu chí thứ 3, là phải đạt 10 triệu đô thì các doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn trong việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa... Được biết hiện nay tiêu chí này không nước nào áp đặt mình, vậy tại sao mình lại tự áp đặt, tự trói doanh nghiệp để không thể đạt tiêu chuẩn tham gia tự chứng nhận".

Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM, đơn vị được bộ Công thương chỉ định để đào tạo cho doanh nghiệp trong khâu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho biết, doanh nghiệp trong nước khó đạt tiêu chuẩn 10 triệu đô. Bởi lẽ, thị trường ASEAN dù nhiều tiềm năng nhưng hầu hết các doanh nghiệp tập trung hàng hóa xuất đi các thị trừng lớn như: Mỹ, Nhật, châu Âu...còn khu vực ASEAN do có nhiều tính tương đồng về chủng loại và chất lượng sản phẩm nên tiêu chí 10 triệu đô cho mỗi doanh nghiệp vào thị trường này là khá khó khăn.

"Mình đưa ra 1 trong những điều kiện là 10 triệu đô để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa này là rất cao với các doanh nghiệp Việt. Trong khi các nước trong khu vực không ai đưa ra tiêu chí này, nên cần xem xét và thay đổi trong thời gian tới", ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM nhận định.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM

Bên cạnh đó, tiêu chí quy định chỉ có doanh nghiệp vừa sản xuất xuất khẩu mới được tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng gây khó các doanh nghiệp Việt, thu hẹp lượng doanh nghiệp khi loại trừ các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hoặc sản xuất quy mô nhỏ.

Trước những khó khăn trên đại diện Cục xuất nhập khẩu cho rằng, sắp tới sẽ xem xét 2 phương án, thứ nhất giữ tiêu chí thứ 3 cho có 1 ngưỡng về kim ngạch nhưng sẽ phân chia ra thành từng ngành hàng cụ thể...Thứ 2 là phương án bỏ hẳn tiêu chí thứ 3 để tạo thuận lợi cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Nguyễn Duy

Theo NTD

largeer