Độc đáo lễ cúng “bến nước” của đồng bào Ê Đê

Thứ tư, 07/03/2018, 08:50 AM

Tạm gác lại các công việc đồng áng, những chàng trai cô gái dân tộc Ê Đê diện bộ trang phục đẹp để đi dự lễ hội cúng bến nước, đây được xem là lễ hội truyền thống rất độc đáo và diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm.

Tại thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa diễn ra lễ hội cúng bến nước. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, cầu thần linh ban cho sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt,…Theo quan niệm của người Ê đê, bến nước cũng có thần nước, có sự sống. Do vậy, mà hàng năm cứ vào ngày (14.1 âm lịch) sau khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào Ê đê tổ chức cúng tạ ơn thần nước đã phù hộ cho dân làng có nguồn nước sạch, cầu cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp cho dân làng.

Đông đảo người dân Ninh Tây đi tham dự cúng bến nước. Ảnh: C.T

Đông đảo người dân Ninh Tây đi tham dự cúng bến nước. Ảnh: C.T

Có mặt từ rất sớm tại lễ hội, chị H’ Muôn (dân tộc Ê Đê) cho biết, năm vừa rồi gia đình thu hoạch được mùa nên hôm nay sắm được bộ áo mới và cùng với người thân đi dự lễ hội quan trọng này. Theo chị, lễ hội cúng bến nước rất có ý nghĩa, bởi ngoài mang lại sức khỏe, còn mang lại nguồn nước quý hiếm cho dân làng sinh sống. Nguồn nước chảy dưới đây những năm qua thường xuyên phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi nên ai cũng bảo quản, gìn giữ. Trong lần này, chị khẩn cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, lúa thóc về đầy nhà, ngô đậu chất đầy sân, sức khỏe gia đình như ý và con cháu thành đạt. Vừa nói dứt lời xong, chị nhẹ nhàng dùng chai múc nước tại khu vực bến mang về nhà phát cho những người xung quanh lấy lộc. 

Ông Y Hồng – Trưởng thôn Buôn Lác cho hay, toàn thôn có 256 hộ/995 khẩu, trong đó dân tộc Ê đê chiếm 80%, đa số bà con ở địa phương sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. So với các năm trước, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi mưa thuận gió hòa, nên phần nào giúp cây cối phát triển tươi tốt, bà con có thu nhập ổn định ai cũng tỏ ra phấn khởi. Theo Y Hồng, lễ cúng này có từ khi mới thành lập buôn làng, chính vì đó mà hàng năm cứ vào ngày này thì tổ chức lễ cúng bến nước và được tổ chức kéo dài trong thời gian 3 ngày.

 Người dân tộc Ê Đê lấy nước ở bến mang về. Ảnh: C.T

Người dân tộc Ê Đê lấy nước ở bến mang về. Ảnh: C.T

Nghi thức lễ cúng được thực hiện trang nghiêm và chia thành 3 phần, đầu tiên cúng tại nhà của già làng, tiếp theo mang lễ vật được sắp đặc gọn gàng ra cúng tại khu vực bến nước để cầu thần nước và cuối cùng, cúng tại cổng trước khi mang nước về nhà. Các lễ vật dâng cúng gồm: Rượu, thịt lợn, cơm, thuốc lá, trầu cau, gạo, xôi… Người được chọn để đứng ra cúng là người già làng hoặc người có uy tín trong buôn làng.

Sau khi cúng xong, các chàng trai, cô gái Ê Đê trong làng quây quần giao lưu văn hóa, văn nghệ, hò hát qua các màn biểu diễn đặc sắc của nhạc cụ cồng chiêng và không quên nhấp ché rượu cần ấm áp.

Ông Nguyễn Minh Trí – cán bộ văn hóa xã Ninh Tây cho biết, trên địa bàn xã có đông đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống chủ yếu tập trung tại các Buôn Đun, Buôn Lác và Buôn Tương. Lễ hội cúng bến nước là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Ê đê, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn truyền đi thông điệp mọi người trong buôn làng giữ gìn bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước sạch. Để bảo tồn gìn giữ lễ hội truyền thống, hàng năm địa phương cũng hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động. Theo ông, trước ngày diễn ra lễ cúng bến nước, bà con trong buôn đã tổ chức quét dọn, làm vệ sinh khu vực bến nước cũng như trong nhà.

Công Tâm

Theo Dân Việt

largeer