Dông bão đến gần, các “thiếu gia” rời bỏ công ty gia đình

Thứ tư, 28/11/2018, 09:14 AM

Làm việc trong công ty do cha mẹ thành lập nên nhiều thiếu gia Việt dễ dàng leo lên vị trí lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến không ít thế hệ F2 từ nhiệm. Và ngay sau đó, dông bão nhanh chóng ập tới.

Xôn xao câu chuyện Cường “đô la” từ nhiệm

Tuần trước, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) từ nhiệm khỏi cả 2 vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.

Chuyện này gây xôn xao dư luận vì Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty và cũng là mẹ Cường “đô la” thành lập. Dù bà Loan không khẳng định nhưng với việc lấy tên con trai đặt cho công ty, đủ thấy bà Loan đặt niềm tin vào con trai mình như thế nào.

Trong 10 năm qua, Cường “đô la” gia nhập Quốc Cường Gia Lai và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc và người công bố thông tin của công ty. Trong khi đó, cô em gái Nguyễn Ngọc Huyền My không tham gia điều hành Quốc Cường Gia Lai. Cô gái 8X này chỉ có mối liên kết với công ty thông qua việc sở hữu cổ phiếu QCG.

Cường “đô la” không phải thiếu gia đầu tiên từ nhiệm khỏi những chức vụ quan trọng trong công ty do cha mẹ lập nên. Năm 2017, thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân “phủ sóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng khi bất ngờ rời khỏi CTCP Tập đoàn địa ốc No va (Novaland).

Cụ thể, đầu tháng 5/2017, Novaland bất ngờ thông qua đơn từ nhiệm của ông Bùi Cao Nhật Quân về việc thôi đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và thôi giữ chức danh Thành viên HĐQT. Novaland cũng miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc của ông Bùi Cao Nhật Quân ngay sau đó.

Trong danh sách các thiếu gia từ nhiệm không thể không kể đến cái tên đình đám Đặng Hồng Anh. Cùng với cha mình - ông Đặng Văn Thành, thiếu gia họ Đặng có ảnh hưởng rất lớn tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ảnh hưởng của Đặng Hồng Anh tại Sacombank được thể hiện qua “chiếc ghế” Thành viên HĐQT và qua việc sở hữu số lượng lớn cổ phiếu STB.

Thế nhưng, đến cuối năm 2012, ông Đặng Hồng Anh bất ngờ rời khỏi vị trí lãnh đạo Sacombank khi ngân hàng này bị muôn ngàn khó khăn bủa vây. Thiếu gia họ Đặng chỉ còn mối liên kết duy nhất với Sacombank thông qua lượng cổ phiếu STB.

Ông Đặng Hồng Anh, Bùi Cao Nhật Quân và Nguyễn Quốc Cường đã từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo tại công ty do cha mẹ thành lập.

Ông Đặng Hồng Anh, Bùi Cao Nhật Quân và Nguyễn Quốc Cường đã từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo tại công ty do cha mẹ thành lập.

Dông bão đến gần

Có nhiều lý do để các thiếu gia gắn bó với công ty do cha mẹ thành lập. Thứ nhất, họ gửi gắm lượng tài sản khổng lồ vào công ty. Thứ hai, các thiếu gia luôn được cha mẹ kỳ vọng sẽ là thế hệ doanh nhân F2 nối nghiệp nghiệp kinh doanh của gia đình khi cha mẹ nghỉ hưu.

Vì vậy, sẽ thật thiếu hợp lý nếu họ ra đi khi “trời yên bể lặng”. Trong nhiều năm qua, “lịch sử” cho thấy, các thiếu gia chỉ ra đi khi công ty gia đình đối diện với dông bão hoặc chính bản thân họ có scandal đủ lớn để hủy hoại công ty.

Ông Đặng Hồng Anh là ví dụ điển hình nhất. Năm 2012 là thời điểm thị trường ngân hàng rơi xuống “đáy” với hàng loạt thông tin xấu chưa từng có. Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt, hàng loạt đại gia ngân hàng khác lao đao cùng. Đặng gia và Sacombank không nằm ngoài “cơn lốc” khủng khiếp này.

Sacombank trượt dốc, bản thân ông Đặng Văn Thành đối diện với nhiều tin đồn bị bắt. Kết quả không đến nỗi bi thảm như vậy nhưng cuối cùng ông Thành phải tay trắng rời Sacombank. Mất hết chức vụ, mất hết cổ phiếu, ông Thành bị sốc tới mức phải tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh để “ở ẩn”.

Chính vì vậy, việc ông Đặng Hồng Anh từ nhiệm khỏi Sacombank là kết quả tất yếu cho dông bão của nghiệp kinh doanh. Khó khăn ở lĩnh vực ngân hàng khiến ông Hồng Anh “mắc kẹt” trong bất động sản với Sacomreal.

Ngược lại, thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân lại rời Novaland theo một cách khác. Trong khi Novaland vẫn ổn định, không bê bết như Sacombank, thiếu gia họ Bùi bất ngờ khiến Novaland nằm trong tầm ngắm của cộng đồng mạng khi lộ ảnh “ăn chơi”.

Không khẳng định, không phủ nhận những bức ảnh thác loạn được rò rỉ trên mạng xã hội, Bùi Cao Nhật Quân đã rời khỏi vị trí lãnh đạo Novaland dù vẫn nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu NVL.

Các “tấm gương” trong quá khứ cho thấy không phải bỗng dưng nhiều thiếu gia Việt phải từ nhiệm, rời khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao trong công ty do cha mẹ thành lập. Vì vậy, động thái từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT Quốc Cường Gia Lai của Cường “đô la” như báo hiệu dông bão đang ập đến với công ty này.

Giới đầu tư chứng khoán càng có lý do tin tưởng cho dự báo này khi những vấn đề liên quan đến Quốc Cường Gia Lai đang được “bóc”. Cụ thể, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về những vi phạm của ông Tất Thành Cang.

Ủy ban Kiểm tra kết luận những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Những vi phạm của ông Tất Thành Cang liên quan đến Dự án khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Trong “quan hệ tay ba” Tất Thành Cang - Tân Thuận - Quốc Cường Gia Lai đã có tới 2 mắt xích được đưa ra ánh sáng. Dư luận đang đặt câu hỏi Quốc Cường Gia Lai đóng vai trò như thế nào trong vi phạm nghiêm trọng kể trên.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer