Dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản: Nợ xấu sẽ gia tăng?

Thứ bảy, 25/11/2017, 10:43 AM

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng nâng lên 21% trong năm nay, các ngân hàng sẽ tích cực mở rộng cho vay, nhất là vào những tháng cuối năm.

Bởi thế, theo các chuyên gia tài chính, nhiều khả năng rủi ro sẽ tăng cao khi dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản (BĐS), và khi ấy, nếu không kiểm soát chặt chắc chắn nợ xấu lại gia tăng.

Nhiều rủi ro sẽ gia tăng khi dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào BĐS. Và, nếu không kiểm soát chặt, tình trạng nợ xấu sẽ gia tăng. (Ảnh: Tấn Lợi).

Nhiều rủi ro sẽ gia tăng khi dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào BĐS. Và, nếu không kiểm soát chặt, tình trạng nợ xấu sẽ gia tăng. (Ảnh: Tấn Lợi).

6 tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS tăng nhanh...

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến tháng 6/2017 đạt khoảng 1.596 triệu tỷ đồng, tăng 22,04% so cùng kỳ năm ngoái. Sáu tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS của TP.HCM cũng đạt 6,35%, là mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (5%). Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng lãi suất lại ổn định và khá hợp lý; trong đó, lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP.HCM huy động được khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng cũng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10% và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Tuy nhiên, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn lại không có nhiều biến động, vẫn ở mức 10% tổng dư nợ. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới trên địa bàn tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập. Cụ thể, trong 18.000 doanh nghiệp mới, đã có 1/3 là doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Điều này, cho thấy thị trường BĐS đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam.

Với việc nới lỏng chính sách tín dụng trong lĩnh vực BĐS, bắt đầu từ năm 2013, tín dụng BĐS có xu hướng tăng và có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng của nền kinh tế. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn cho vay trung - dài hạn về mốc 50% và hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% là những cơ sở thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào thị trường địa ốc.

... Và, dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào địa ốc?

Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng tăng trưởng 21% đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Như vậy, sẽ khó ngăn được dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS. Bởi, thực tế hiện nay và sắp tới đây, phân khúc tín dụng được các ngân hàng tập trung nhiều nhất vẫn là địa ốc.

Theo thông điệp từ các ngân hàng thì ngành này chỉ đẩy mạnh nguồn vốn cho cá nhân vay mua nhà, hạn chế cho chủ đầu tư dự án vay. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu không thận trọng và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng thì độ rủi ro đối với tín dụng mua nhà là rất lớn.

Cũng theo ông Hiếu, thực tế đã cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu từng xảy ra khi bong bóng tín dụng cho vay mua nhà tại Mỹ vỡ tung, đã tác động dây chuyền dẫn đến nhiều ngân hàng lớn phải phá sản. Do đó, nâng cao mục tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là vấn đề xấu. Song, trước hết cần xem xét đến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017: "Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng" vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố đã đánh giá: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% cả nền kinh tế có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại. Tuy nhiên, HSBC lưu ý, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng. Đặc biệt, nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả!

Theo các chuyên gia, nếu các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà (phân khúc căn hộ) khi mức giá phù hợp với khả năng của khách hàng có thu nhập trung bình thì sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại và vẫn kiểm soát được nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn cần cảnh giác với phân khúc căn hộ cao cấp. Bởi giá sản phẩm phân khúc này cao nên khó tiêu thụ, phần nào khiến thị trường địa ốc đang có dấu hiệu chững lại.

Hiện nay, các biện pháp, chính sách của Chính phủ, của NHNN và ngân hàng thương mại liên quan đến thị trường BĐS cho thấy, tín dụng trong lĩnh vực địa ốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn so với năm 2016. Và, thực tế năm 2017, hoạt động cho vay đã được các tổ chức tín dụng tăng cường "giám sát", khiến chất lượng đầu tư tín dụng BĐS tăng cao, tạo nền tảng bền vững cho thị trường địa ốc phát triển trong những năm tiếp theo.

Theo T. Lợi - NTD

largeer