Dư âm mùa World Cup: Lợi và hại cho doanh nghiệp marketing

Thứ ba, 11/09/2018, 09:47 AM

World Cup 2018 diễn ra tại Nga vừa qua đã được FIFA đánh giá là mùa World Cup thành công nhất của môn thể thao vua. Còn đối với tín đồ túc cầu Việt Nam, đây cũng là mùa bóng đáng nhớ nhất bởi những lùm xùm quanh việc mua bản quyền phát sóng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, sự kiện càng ồn ào, càng có lợi cho marketing. Vì vậy, nhiều đơn vị không tiếc tay đổ tiền vào quảng cáo trong mùa World Cup. Tuy nhiên, kết quả nhận được lại không như nhau. Trong khi có đơn vị thăng hoa với doanh số tăng vọt thì vẫn có kẻ kém may mắn khi “bước hụt”.

Không chủ ý truyền thông nhưng Vingroup đã thành công rực rỡ cùng World Cup 2018.

Không chủ ý truyền thông nhưng Vingroup đã thành công rực rỡ cùng World Cup 2018.

Nơi thăng hoa

Cả mùa World Cup 2018 nằm trọn trong tháng 6. Vì vậy, những nỗ lực của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận trong quý 2/2018. Và nói đến World Cup 2018, tín đồ túc cầu Việt nhớ ngay tới cái tên Vingroup bởi Vingroup đã “cứu” tình yêu bóng đá của họ trong phút 89 khi quyết định chi 5 triệu USD mua bản quyền.

Dù Vingroup không “quảng bá” sự kiện này nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, cái tên Vingroup được dư luận truyền miệng một cách nhiệt tình nhất. Kết quả là doanh thu trong kỳ tăng mạnh. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2018 của Vingroup tăng 12.663 tỷ đồng, tương ứng 63% so với quý 2/2017, lên 32.32.751 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động gặt hái

Thế Giới Di Động gặt hái "trái ngọt" nhờ "dội bom" quảng cáo trong mùa World Cup 2018.

Không đột phá như Vingroup nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng được chú ý rất nhiều trong mùa World Cup 2018 khi “dội bom” quảng cáo. Các TVC đặc trưng của Thế Giới Di Động, Điện máy xanh xuất hiện trên sóng truyền hình với tần suất dày đặc đã mang về thành công rất lớn cho ông lớn ngành bán lẻ này.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống Thế Giới Di Động đạt 45.201 tỷ đồng, tăng 13.296 tỷ đồng, tương ứng 41,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, theo Thế Giới Di Động, chuỗi Bách hóa xanh bứt phá mạnh nhất với đà tăng 286%. Đứng sau là chuỗi Điện máy Xanh (86%) là Thế Giới Di Động (3%).

Giải thích cho đà tăng trưởng mạnh trên Thế Giới Di Động khẳng định phần lớn là do World Cup. “Sự tăng trưởng tích cực này đóng góp bởi nhóm hàng điện tử, cụ thể là TV do hiệu ứng mùa World Cup và nhóm hàng điện lạnh, cụ thể là máy lạnh do thời tiết nắng nóng gay gắt trong những tháng qua” - Thế Giới Di Động cho biết.

Sabeco và Habeco ỳ ạch dù rót tiền tấn cho mùa World Cup mùa hè 2018 tại Nga.

Sabeco và Habeco ỳ ạch dù rót tiền tấn cho mùa World Cup mùa hè 2018 tại Nga.

Nơi bước hụt

Nhắc đến mùa hè là nhắc tới bia. Nhắc tới World Cup cũng là nhắc tới bia. Vì vậy, World Cup diễn ra trong mùa hè là cơ hội kép cho các công ty bia “hốt bạc”. Thế nhưng, bất chấp việc đổ ra tiền tấn cho quảng cáo, hai ông lớn ngành bia Việt là Habeco và Sabeco vẫn “bước hụt”.

Cụ thể, trong quý 2/2018, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) rộng tay hơn cho marketing. Chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ trong kỳ tăng 18% so với quý 2/2017, lên 166,8 tỷ đồng.

Thế nhưng, kết quả nhận được lại không như những gì ban lãnh đạo Habeco mong đợi. Bất chấp những nỗ lực của Habeco, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2018 của Habeco chỉ đạt 2.928 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2.958 tỷ đồng hồi quý 2/2017.

Cùng chiều với doanh thu là lãi ròng và tài sản. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2018 của Habeco giảm rất nhẹ từ 214,78 tỷ đồng xuống 214,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của Habeco giảm 225 tỷ đồng, tương ứng 2,34% so với đầu năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng chi mạnh tay cho marketing. Tại thời điểm 30/6, chi phí quảng cáo, khuyến mãi phải trả của Sabeco lên tới gần 194 tỷ đồng.

Khác với Habeco, Sabeco vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn rất ‘‘khiêm tốn’’. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của Sabeco đạt 17.066 tỷ đồng, tăng 1.315 tỷ đồng, tương ứng 8,3% so với cùng kỳ năm 2017, lên 17.066 tỷ đồng.

Đà tăng này rất ‘‘khiêm tốn’’ so với những gì Sabeco đã đạt được trong mùa World Cup 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của Sabeco tăng 1.600 tỷ đồng, tương đương 12,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Các số liệu này cho thấy ngành bia đang cạnh tranh gay gắt như thế nào. Để có thể duy trì được thị phần (chưa tính tới việc tăng trưởng), các doanh nghiệp bia phải đổ tiền tấn cho quảng cáo.

Vy Vy

Theo NTD

largeer