Dừng bán cổ phiếu, CEO Facebook thực sự muốn gì?

Thứ hai, 07/01/2019, 10:22 AM

Tuyên bố bán dần 30 - 75 triệu cổ phiếu Facebook trong vòng 18 tháng để tài trợ cho các hoạt động từ thiện, tuy nhiên trong quý 4/2018, Mark Zuckerberg đã dừng hoàn toàn hoạt động này.

Cụ thể, vào tháng 9/2017 Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Facebook tuyên bố sẽ bán dần 30 - 75 triệu cổ phiếu mạng xã hội này trong vòng 18 tháng để tài trợ cho các hoạt động từ thiện. Kể từ sau tuyên bố trên, Zuckerberg đã bán tổng cộng 30,4 triệu cổ phiếu Facebook - tương đương khoảng 5,6 tỉ USD. 

Không lâu sau, giá cổ phiếu Facebook mỗi lúc một giảm sâu, khiến nhiều người, kể cả đồng sáng lập cũng mạnh tay bán ra. Mới đây, Dustin Moskovitz, người đồng sáng lập Facebook từ những ngày đầu tiên cũng đã bán 450.000 cổ phiếu, thu về chưa đến 9 triệu USD. Đây không phải là lần bán đầu tiên của tỷ phú trẻ tuổi này. Từ 19/8 anh đã bán ra với số lượng khoảng 150.000 cổ phiếu mỗi ngày.

2018 được coi là năm đen tối đáng quên của “gã khổng lồ” Facebook.

2018 được coi là năm đen tối đáng quên của “gã khổng lồ” Facebook.

Ngoài Moskovitz, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã bán cổ phiếu Facebook từ rất sớm như tỷ phú Peter Thiel. Là người có chân trong ban quản trị của công ty, tỷ phú này bán ra 20 triệu cổ phiếu ngay từ đầu tháng 8.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, trong quý 4/2018, Mark Zuckerberg không bán bất cứ cổ phiếu nào. Quyết định dừng bán của Zuckerberg đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu Facebook liên tục lao dốc, giảm tới 20% giá trị trong kỳ nghỉ lễ cuối năm vừa qua và hơn 37% từ mức đỉnh vào tháng 7/2018 do loạt bê bối và quan ngại về tăng trưởng người dùng. 

CEO dừng bán cổ phiếu trong quý 4/2018. Nguồn: BLOOMBERG

CEO dừng bán cổ phiếu trong quý 4/2018. Nguồn: BLOOMBERG

Ngoài lí do giảm giá, dừng bán cổ phiếu được nhiều người cho là động thái nhằm bảo vệ cổ phần đa số của CEO này tại công ty. Bởi khi cổ phiếu mất giá, Zuckerberg cần phải bán ra nhiều hơn để đủ tiền tài trợ cho mục đích từ thiện của mình và khi đó, CEO này sẽ phải từ bỏ bớt quyền lực.

Trước đó, Mark Zuckerberg từng bị bốn quỹ đại chúng lớn của Mỹ nắm giữ cổ phần trong Facebook đã đề xuất loại khỏi vị trí chủ tịch hãng.

Tuy nhiên, đây gần như là một đề xuất không tưởng vì Zuckerberg nằm quyền kiểm soát đa số khiến cho các nghị quyết của cổ đông bên ngoài chỉ mang mang tính biểu tượng.

Hiện nay cổ phiếu Facebook được chia làm hai loại, loại A và loại B. Một cổ phiếu loại B khi bỏ phiếu được tính bằng 10 cổ phiếu loại A và Zuckerberg khôn ngoan nắm giữ đến 75% cổ phiếu loại B của Facebook.

Nói cách khác, quyền quyết định mọi vấn đề lớn của Facebook vẫn nằm trong tay Mark Zuckerberg và mọi đề xuất sa thải anh ta dễ dàng bị Zuckerberg gạt sang một bên.

Năm 2017, Zuckerberg đã bác bỏ kế hoạch điều chỉnh cấu trúc cổ phiếu của Facebook cho phép bảo vệ quyền kiểm soát công ty của mình kể cả khi đã bán 99% cổ phần để làm từ thiện. Khi đó, cổ phiếu Facebook đang tăng giá mạnh nên Zuckerberg tin rằng có thể tiếp tục bán ra trong nhiều năm và vẫn duy trì được quyền lực mà không cần phải thay đổi bất kỳ cấu trúc nội bộ nào. 

"Hơn 1,5 năm qua, hoạt động kinh doanh của Facebook tiến triển tốt và giá trị cổ phiếu của chúng tôi cũng đạt tới mức mà tôi có thể hoàn toàn dùng cho hoạt động từ thiện và vẫn duy trì được quyền biểu quyết tại Facebook trong 20 năm hoặc hơn nữa", Zuckerberg nói. 

PHAN ANH

Theo LĐO

largeer