Dược Bến Tre giảm lợi nhuận vào phút chót, cổ đông bối rối

Thứ hai, 03/12/2018, 14:38 PM

Gần kết thúc năm 2018, CTCP Dược Bến Tre (DBT) bất ngờ điều chỉnh giảm đến phân nửa lợi nhuận trước thuế. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chi phí ngày càng tăng cao khiến lợi nhuận giảm. Lý giải này hầu như năm nào cũng diễn ra. Vậy lý do thật sự nằm ở đâu?

Trong quý 3/2018, Dược Bến Tre chỉ thu về gần 2 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.

Trong quý 3/2018, Dược Bến Tre chỉ thu về gần 2 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.

Giá vốn hàng bán tăng liên tục

Dược Bến Tre vừa điều chỉnh giảm kết quả doanh thu mục tiêu từ 750 tỷ đồng về 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ hơn 41 tỷ đồng còn hơn 26 tỷ đồng. Công ty giải thích, do chi phí đầu vào tăng cao, tỷ giá tăng nhưng giá bán thấp. Nguyên nhân thứ hai, một số nhóm sản phẩm mới công ty chưa triển khai bán hàng theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính tại các công ty con, công ty liên kết không đúng kế hoạch dự kiến.

Các nguyên nhân mà công ty đưa ra có vẻ hợp lý cho việc điều chỉnh giảm lợi nhuận, nhưng hoàn toàn không mới. Trong 3 năm gần đây, hầu như năm nào Dược Bến Tre cũng đối mặt với vấn đề giá vốn hàng bán tăng lên.

Chẳng hạn trong năm 2017, dù doanh thu tăng khá nhưng giá vốn và chi phí tăng, khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 37% so với cùng kỳ. Thời điểm năm 2015 và 2016, giá vốn hàng bán cũng tăng nhẹ. Tuy nhiên, giai đoạn này nhờ doanh thu tăng cao nên vẫn mang về cho Dược Bến Tre khoản lợi nhuận như dự tính.

Khác với những năm trước, năm 2018 này, HĐQT Dược Bến Tre còn viện dẫn nguyên nhân thị trường khó khăn, công ty phải giảm giá hàng thầu nhằm bảo đảm tính cạnh tranh. Dược Bến Tre hiện có mạng lưới phân phối trên khắp cả nước, bán hàng vào cả hai kênh bệnh viện và nhà thuốc (ETC và OTC). Trên 90% sản phẩm của công ty là nhập từ nước ngoài và mua lại trong nước.

Với cơ cấu hoạt động thuần thương mại và chưa có thế mạnh về sản xuất dễ thấy Dược Bến Tre sẽ còn phải chấp nhận giảm giá bán dài dài để tồn tại. Điều này khiến nhà đầu tư suy đoán, việc sụt giảm lợi nhuận bất ngờ của công ty là do năng lực điều hành của ban lãnh đạo chứ không hẳn đến từ yếu tố thị trường. Minh chứng là trong quý 3/2018, Dược Bến Tre chỉ thu về gần 2 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận ròng quý 3/2018 của hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành đều tăng, chẳng hạn như ở Domesco, Imexpharm hay Dược Hậu Giang.

Trong 3 năm gần đây, hầu như năm nào Dược Bến Tre cũng đối mặt với vấn đề giá vốn hàng bán tăng lên.

Trong 3 năm gần đây, hầu như năm nào Dược Bến Tre cũng đối mặt với vấn đề giá vốn hàng bán tăng lên.

Những cuộc chơi tài chính ở Dược Bến Tre

Dược Bến Tre được thành lập năm 2004, đến năm 2014 thì cổ đông Nhà nước thoái vốn. Nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch Phạm Thứ Triệu chính thức bước vào, thông qua CTCP Cơ khí Ngân hàng (51,4%). Kể từ đó, lợi nhuận từ các hoạt động tài chính của công ty lấn át mảnh kinh doanh chính là dược phẩm.

Chẳng hạn, đầu năm 2015, Dược Bến Tre quyết định bán phần vốn ở công ty liên doanh là Meyer-BPC. Đây là đơn vị sản xuất thuốc cho Dược Bến Tre phân phối, do công ty góp 60% vốn và Công ty Meyer Pharmacauticals Co.Lid (Hongkong) góp 40% vốn. Thương vụ này mang về cho Dược Bến Tre 38,5 tỷ đồng, khá hời khi số vốn đầu tư chỉ hơn 14 tỷ đồng. Dù vậy, nó cũng mang lại không ít phiền phức cho Dược Bến Tre.

Ngoài nhóm hàng mua từ nước ngoài, nhóm dược phẩm mua trong nước chiếm vị trí thứ 2 trong cơ cấu tổng doanh thu của công ty. Sau khi bán phần vốn trong liên doanh, nguồn hàng từ các nguồn bán khác hoặc mua từ Công ty liên doanh Meyer - BPC sau đó có giá cao hơn trước, khiến giá vốn hàng bán nhóm hàng này bị đội lên rất cao và lợi nhuận teo tóp. Trong năm 2015, Dược Bến Tre phải nhờ khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng trước đây và các khoản chứng khoán đầu tư mới cứu vãn được tình hình.

Trong giai đoạn 2016-2017, thay vì đầu tư cho sản xuất để gia tăng tính cạnh tranh, Dược Bến Tre tiếp tục đầu tư vào nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác. Công ty đang sở hữu 3 công ty con đều với tỷ lệ 51% vốn bao gồm CTCP Dược phẩm Yên Bái, CTCP Dược phẩm OC và CTCP Vacxin và Sinh phẩm Nha Trang. Các khoản đầu tư này được kỳ vọng giúp Dược Bến Tre phát triển 2 nhóm sản phẩm mới. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lợi nhuận trong năm 2017 của công ty cũng phải nhờ sự giúp sức của khoản nhượng bán tài sản cố định.

Ngoài các khoản thu nhập tài chính “cứu nguy” cho lợi nhuận hàng năm, các giao dịch của cổ đông lớn tại Dược Bến Tre cũng rất đáng chú ý. Hồi tháng 9/2017, Công ty Cơ khí Ngân hàng - cổ đông lớn nhất tại Dược Bến Tre do Chủ tịch Phạm Thứ Triệu đại diện, đã mạnh tay bán gần 50% cổ phần công ty ra ngoài. CTCP Thiết bị Ngân hàng Tiên Phong ngay sau đó mua đúng bằng lượng cổ phiếu trên. Đáng nói ông Triệu cũng là Ủy viên HĐQT tại công ty là cổ đông mới. Tức ông Triệu có liên quan đến cả hai công ty.

Chưa đầy một năm sau, tháng 6/2018, cổ đông lớn Thiết bị Ngân hàng Tiên Phong lại bán ra hết số cổ phần đang nắm giữ và chịu lỗ một khoản đáng kể. Điều kỳ lạ là dù nắm số cổ phần chi phối công ty, cổ đông lớn lại dễ dàng đăng ký bán ra mà không sợ bị thâu tóm. Và sau khi bán xong, đến nay ông Triệu vẫn nghiễm nhiên giữ chức Chủ tịch Dược Bến Tre. Điều này khiến nhà đầu tư nghi ngờ đây chỉ là những giao dịch nội bộ, nhằm tạo ra sự sôi động cho cổ phiếu DBT.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer