Đường sắt Cát Linh-Hà Đông xuất hiện nhiều hư hỏng

Thứ sáu, 29/03/2019, 16:17 PM

Ban quản lý dự án đường sắt đã giao Tổng thầu Trung Quốc tăng cường đội ngũ bảo vệ và chịu trách nhiệm sửa chữa hư hỏng trước khi bàn giao.

Nhiều tấm kính chưa đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ tại nhà ga Thái Hà. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nhiều tấm kính chưa đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ tại nhà ga Thái Hà. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Liên quan đến việc hư hỏng xuống cấp của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, các hư hỏng xuống cấp của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ do Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm sửa chữa trước khi được nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Tại buổi họp báo quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều tối nay (ngày 28/3), theo ông Phương, hiện nay có một số tấm kính vỡ tại lối lên xuống trên vỉa hè nhà ga, một số do va đập trong quá trình thi công và do người dân đi lại gây ra. Vị trí khoan liên kết chân cột hệ thống mái che vẫn còn những tồn tại, tuy nhiên hạng mục mái che đang trong quá trình thi công nên sau khi hoàn thành kết cấu sẽ hoàn thành liên kết chân cột theo quy định.

“Đặc biệt, tại dự án có một số hiện tượng phá hoại trong quá trình hoàn thiện dự án. Ban quản lý dự án đường sắt đã giao Tổng thầu Trung Quốc tăng cường đội ngũ bảo vệ và chịu trách nhiệm sửa chữa hư hỏng trước khi bàn giao,” ông Phương khẳng định.

Khẳng định tiến độ tuyến đường sắt này sẽ khai thác và vận hành thương mại vào tháng Tư tới đây, ông Phương cho biết, dự án cơ bản hoàn thành, chỉ còn 1% hạng mục xây dựng mái che, các hệ thống an toàn và công tác mái che gầm thang cuốn, hệ thống cảnh quan cây xanh.

“Ban quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu quyết tâm hoàn thành trong tháng Tư, còn một số hạng mục hoàn thiện căn chỉnh, đo kiểm tiến hành nghiệm thu,” ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, dự án hoàn thành còn nhiều việc như thủ tục nghiệm thu đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm thiết bị (đây là vấn đề mới và phức tạp vì Việt Nam chưa có đầy đủ quy chuẩn), nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, vận hành Hà Nội đào tạo, quy trình bảo dưỡng vận hành khai thác (Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nhưng Hà Nội khai thác nên cũng rất áp lực khó khăn).

“Quan điểm chung là phải theo đúng cam kết đưa vào khai thác vận hành vào tháng Tư này,” Thứ trưởng Đông quả quyết.

Trước đó, trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử vào ngày 15/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang trong giai đoạn cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành thương mại nên Tổng thầu Trung Quốc, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng. Vì vậy, Tổng thầu có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực Tổng thầu.

“Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định./.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự ánđường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến tháng 4/2019 mới khai thác thương mại.

TTXVN 

Theo saigondautu.com.vn

largeer