Gần một nửa phải “bôi trơn”, “lót tay"

Thứ tư, 19/09/2018, 14:59 PM

79% số lượng doanh nghiệp (DN) chấp nhận trả chi phí không chính thức. 52% số DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. Nhưng cuối cùng thì sao? Cuối cùng thì tất cả được hạch toán giá thành mà người phải “móc túi” cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

43

Con số 79% trả chi phí không chính thức hay 52% phải “lót tay”cho thanh kiểm tra là số liệu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - dựa trên một cuộc khảo sát 10.000 DN trên cả nước và được PGĐ VCCI TP.HCM công bố trong một hội nghị chính thức.

Chi phí không chính thức, hay bôi trơn, hay lót tay, thực chất chính là đưa hối lộ. Cái cay đắng ở chỗ nhiều khi phải chi để được yên ổn làm ăn.

Chi phí không chính thức không thể hạch toán sổ sách, và để hợp thức, DN không có cách nào khác là phải mua bán hoá đơn, phải tồn tại quỹ đen. Và cuối cùng chi phí này được hạch toán giá thành để người chi trả cuối cùng là người tiêu dùng.

Cần công bằng rằng, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc gỡ khó cho DN. Hồi giữa năm 2017, Chỉ thị 20 được ban hành chấn chỉnh các hoạt động thanh kiểm tra đã được ban hành trong sự phấn khởi, tin tưởng của cộng đồng DN. 

Phấn khởi, vì “phép vua”nói rằng chỉ được thanh, kiểm tra DN mỗi năm một lần. Tin tưởng vì tinh thần “chỉ được thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. 

Từ sau Chỉ thị 20, tình trạng mỗi năm tiếp 7-8 đoàn thanh kiểm tra rõ ràng đã giảm đáng kể, nhũng nhiễu, phiền hà cũng đỡ hơn rất nhiều.

Nhưng thực tế vẫn có tình trạng thanh tra chồng thanh tra, kiểm tra dẫm chân kiểm tra. Như lời than của một DN “chúng tôi tiếp đoàn kiểm tra của huyện, đoàn liên ngành của thành phố, đoàn Công an môi trường, bên quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nhưng thực tế vẫn tồn tại không thay đổi tình trạng “bôi trơn” mà tỉ lệ 52% hay 79% nói trên là thực tế không ít trầm trọng. 

Thanh kiểm tra là những hoạt động quản lý nhà nước bình thường để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm. Thanh kiểm tra không sai. Cái sai nếu có thuộc về quá trình thanh kiểm tra, thuộc về các công chức nhà nước có thẩm quyền. 

Muốn ngăn chặn tình trạng đến ngót 80% DN phải trả phí bôi trơn, hay 50% phải lót tay thanh tra, muốn chấm dứt câu chuyện “chi phí không chính thức” rất vô lý, có lẽ, việc kiểm tra lại quá trình kiểm tra, thanh tra lại công tác thanh tra như Bộ Công thương vừa tiến hành sau vụ Con Cưng cần phải được đẩy mạnh như một hoạt động thường xuyên, nhất là khi có những bất thường.

Cơ quan thanh kiểm tra cũng có sai, có tiêu cực và cũng cần phải bị xử lý. Chỉ khi nào điều đó là bình thường thì DN, thì người dân mới đỡ khổ.

Anh Đào

Theo LĐO

largeer