Gặp người giữ hồn trống trận Tây Sơn

Thứ tư, 20/06/2018, 07:59 AM

Giữa dàn nhạc Tây Sơn, hình ảnh người phụ nữ duy nhất với vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh gây ấn tượng đặc biệt với những ai theo dõi buổi biểu diễn nhạc- võ Tây Sơn tại khu di tích Tây Sơn Tam Kiệt.

Chị Dương Thị Hương biểu diễn trống trận Tây Sơn sáng 18/6. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chị Dương Thị Hương biểu diễn trống trận Tây Sơn sáng 18/6. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lọt thỏm giữa dàn trống 12 chiếc lớn, nhỏ nhưng hai tay cầm dùi như lướt trên mặt trống khiến ai chứng kiến cũng trầm trồ thán phục. Người phụ nữ ấy là chị Dương Thị Hương (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Chị Hương đánh trống biểu diễn ở bảo tàng Quang Trung khoảng 7 năm nay.

Trò chuyện mới biết, chị Hương chính là con gái của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thuận. “Học trống rất khó và tôi từng nhiều lần vì không kham nổi mà có ý định từ bỏ. Không kể những cơn đau nhức hai cánh tay hằng đêm. Tuy nhiên, mẹ tôi luôn động viên tôi theo đuổi và cố học để giữ gìn nét văn hoá truyền thống của quê hương cũng như truyền thống của gia đình”- chị Dương Thị Hương tâm sự.

Qua lời kể của chị Hương, mẹ chị là nghệ nhân đánh trống Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1959) làm quen với trống trận Tây Sơn từ năm mới 6 tuổi. Hàng ngày bà theo cha (ông Nguyễn Đào, làm nhạc công) vào cúng tế lễ ở Điện thờ ba Ngài (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Ban đầu bà chỉ học cách đánh trống cúng thần, dần dần học hết các nhịp, phách của bài trống trận. Năm 1980, tròn 20 tuổi, bà Thuận được vào làm việc ở Bảo tàng Quang Trung. Khi bà Thuận chuẩn bị về hưu thì chị Hương thay mẹ phụ trách dàn trống biểu diễn với kì vọng “giữ lửa” hồn trống trận Tây Sơn.

Nói về bài trống trận Tây Sơn, chị Hương cho biết thêm: “Một bài trống trận gồm có 3 hồi: Xuất quân, Hạm thành, Khải hoàn. Ngoài những điều được học từ mẹ, tôi phải tự sáng tạo thêm từ cảm nhận nhịp, phách của mình. Bên cạnh đó, khi biểu diễn nhạc võ, ngoài đôi tay cần có lực, người đánh trống phải di chuyển cả đôi chân theo nguyên tắc “túc bất ly địa” để đánh 12 trống đúng theo nhịp của bài võ”- chị Hương nói.

 Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương tâm sự về một số khó khăn trong chế độ lương và cuộc sống. Tuy nhiên, chị Hương chưa bao giờ có ý định bỏ nghề và luôn trăn trở về việc tìm kiếm những thế hệ kế cận để “giữ hồn” trống trận Tây Sơn.

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Gia đình chị Dương Thị Hương có truyền thống 3 đời đánh trống trận Tây Sơn. Ông ngoại của Hương là nghệ nhân đánh trống Nguyễn Đào của làng Kiên Mỹ, mẹ của Hương là nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận và Dương Thị Hương là thế hệ kế cận. Hương là con gái út trong gia đình có 3 anh chị em, tuy nhiên cô là người duy nhất có năng khiếu học trống. Hiện nay, tại bảo tàng Quang Trung có 3 người biết đánh trống nhưng Dương Thị Hương là người có khả năng đánh trống nổi trội nhất”.

Đỗ Quyên

Theo Tiền Phong
Từ khóa:

nhạc Tây Sơn

largeer