Giá điện vẫn có thể tăng!

Chủ nhật, 02/12/2018, 09:37 AM

Mặc dù năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 2.792 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện nhưng vẫn còn treo khoảng 5.000 tỷ đồng chi phí vẫn chưa được tính vào giá thành này. Khả năng tăng giá điện trong năm 2019 là hoàn toàn có thể xảy ra.

 EVN sẽ xây dựng phương án điều chỉnh giá điện năm 2019

Theo thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố Chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 được Bộ Công Thương tổ chức, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 291.278,46 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đ/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân 1.660,19 đ/kWh. Theo Bộ Công Thương, những yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 như giá than tăng bình quân 5,7% và giá dầu DO, FO tăng 21,95% và 32,84%; thuế suất tài nguyên nước; giá khí tăng; tỉ giá thay đổi... Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan điện).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 2.792 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện nhưng vẫn còn treo khoảng 5.000 tỷ đồng chi phí vẫn chưa được tính vào giá thành.

Trong đó, số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có, khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của PV về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cho hay, ngay sau khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, bộ sẽ có chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện năm 2019, sau đó thẩm định và báo cáo ban chỉ đạo điều hành giá.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khi tính toán phương án giá điện năm 2019 thì sẽ tính đủ các chi phí như chi phí mua điện, chi phí mua than từ các đơn vị... để tính giá điện sát thực tế.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng nhấn mạnh: “Khi xây dựng phương án giá điện, chúng tôi đều tính toán ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhân dân, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc EVN cho hay, hiện nay Tập đoàn đang tính toán và xây dựng 4 - 5 phương án giá điện để báo cáo Bộ Công thương. Tuy nhiên, năm 2019 tình hình khó khăn hơn do thiếu nước nghiêm trọng ở miền Trung, nên thủy điện sẽ hụt 3,8 tỉ kWh. Điện khí cũng khó khăn vì mỗi ngày hệ thống cần 22 triệu m3, trong khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ huy động được 15-16 triệu m3.

Ông Tri cho biết thêm, nếu thiếu điện phải huy động nhiệt điện than và chạy dầu thì giá thành sẽ bị đẩy lên rất cao (mỗi kWh điện chạy dầu giá hơn 5.000 đồng), so với giá bán 1.720 đồng/kWh.

Ngoài yếu tố trên, quyền Tổng giám đốc EVN cũng cho hay, giá than cũng là yếu tố quan trọng tác động lên giá điện. “Chúng tôi đã nhận được bản chào giá than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, dự kiến tăng 5%. Khi tăng giá than thì giá điện tăng tương ứng”, ông Tri cho hay.

Cung ứng điện năm 2019 có thể vẫn đảm bảo

Trả lời câu hỏi về tình trạng cung ứng điện năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng 10,64%. Trong bối cảnh tăng trưởng phụ tải cao, huy động sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam thiếu hụt so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước do lượng nước và lưu lượng nước về hồ thủy điện tại các khu vực này thấp trong khi việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã xây dựng 4 phương án cung cấp điện năm 2019.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các phương án này được tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng phụ tải và tần suất nước về các hồ thủy điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng cụ thể các phương án bảo đảm cung cấp nhiên liệu như than, khí cho khâu sản xuất điện. Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp bách cũng có thể phải tính toán tăng huy động sản lượng điện từ chạy dầu. Tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo cho việc cung ứng điện trong năm 2019.

“Việc cung ứng điện 2019 vẫn có thể đảm bảo, tuy nhiên tại một số thời điểm do tình hình căng thẳng nguồn sẽ phải huy động nguồn điện từ dầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Ông Đinh Quang Tri cho biết, năm 2019 có thể thiếu nước nghiêm trọng do miền trung khô hạn. Mặc dù vừa qua có cơn bão, nhưng nước chỉ ngập thành phố và ven biển, còn một số vùng núi và Tây Nguyên lại không có nước.

“Năm 2017 chúng tôi có lãi lớn nhờ phát thủy điện hơn 10 tỷ kwh, nên giá thành không tăng, bù được chi phí khác tăng lên. Nhưng 2019 thì nhìn thấy khó khăn là thủy điện hụt 3,8 tỷ kwh”, ông Tri thông tin.

Theo quyền Tổng giám đốc EVN, nếu sản lượng điện từ thủy điện hụt thì dùng nhiệt điện than, thậm chí là dầu. Tuy nhiên, nếu dùng dầu thì giá thành trên 5.000 đồng/kwh. “Năm 2019 – 2020 có thể đảm bảo đủ điện, vấn đề ở đây là chạy với giá thành và giá điện thế nào. Trong trường hợp nếu ta thiếu nước thì bù vào nhiệt điện than. Còn chạy than vẫn thiếu thì chạy dầu”, ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh.

Yến Nhi

Theo VNMedia

largeer