Giả mạo Facebook Hoa hậu Trần Tiểu Vy bị xử lý thế nào?

Thứ ba, 18/09/2018, 08:58 AM

Ngay sau khi Trần Tiểu Vy đăng quang hoa hậu, trên mạng xã hội nhanh chóng xuất hiện hàng loạt tài khoản mạo danh tân hoa hậu.

Sau một thời gian tranh tài, tối 16/9, ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2018 đã thuộc về người đẹp sinh năm 2000 đến từ Quảng Nam - Trần Tiểu Vy. Với vương miện cao quý này, bắt đầu từ thời điểm hiện tại, Trần Tiểu Vy sẽ đảm nhận trọng trách đại diện nhan sắc quốc gia trong hai năm nhiệm kỳ, thay thế cho Hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh. Đây cũng là chiến thắng thuyết phục được số đông khán giả, bởi suốt vài tháng qua, cô đã khẳng định được tài năng và luôn là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chiếc vương miện hoa hậu.

Hàng loạt tài khoản của tân Hoa hậu Trần Tiểu Vy bị giả mạo.

Hàng loạt tài khoản của tân Hoa hậu Trần Tiểu Vy bị giả mạo.

Ngay sau khi đăng quang, trên trang Facebook cá nhân của tân Hoa hậu Việt Nam ngập tràn lời chúc mừng từ bạn bè và dân mạng. Lượng theo dõi tài khoản của cô cũng tăng rất nhanh, từ hơn 3.700 đến gần 14.000 chỉ sau 30 phút.

Cư dân mạng đánh giá cao vẻ đẹp của Trần Tiểu Vy không chỉ ở trên sân khấu Hoa hậu Việt Nam 2018, mà ngay cả ở khoảnh khắc đời thường, khi cô gái để mặt mộc. Trong khi Facebook Tiểu Vy vẫn mở, gần 10 tài khoản giả mạo tân hoa hậu đã nhanh chóng xuất hiện.

Cư dân mạng đánh giá cao vẻ đẹp của tân Hoa hậu Trần Tiểu Vy.

Cư dân mạng đánh giá cao vẻ đẹp của tân Hoa hậu Trần Tiểu Vy.

Việc các tài khoản mạng xã hội của các nghệ sĩ, diễn viên, MC… bị giả mạo đã có từ lâu. Vậy, việc giả mạo tài khoản cá nhân của người nổi tiếng bị xử phạt như thế nào? Luật sư Đặng Văn Cường (liên đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ với baotintuc.vn, thông tin về nhân thân, quyền về hình ảnh cá nhân là quan hệ dân sự, được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bảo đảm và bảo vệ.

Theo đó, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác mà không được người đó đồng ý thì đều vi phạm pháp luật. Nếu hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đó mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể thì vụ việc được giải quyết bằng quan hệ dân sự, hành chính. Nghĩa là người sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của người khác phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác trái phép trên mạng internet nhằm xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới người khác thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Cụ thể, nếu với hành vi giả mạo thông tin của người khác mà không thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, không nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân thì người có hành vi giả mạo thông tin Facebook của người khác vẫn có thể bị áp dụng các quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử phạt người vi phạm với mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định nếu người nào dùng Facebook mạo danh người khác, rồi lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (kêu gọi ủng hộ…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù.

Phong Linh 

Theo Nguoiduatin

largeer