Giá rẻ, sao cứ móc tài nguyên đất nước lên bán?

Thứ tư, 04/04/2018, 14:47 PM

Thủ tướng lưu ý ngành xi măng giảm bộ máy, tiết kiệm tài nguyên đất nước.

Ngày 3-4, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VN) - VICEM.

Thừa 25 triệu tấn vẫn cứ khai thác

Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng, Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho hay bên cạnh những thuận lợi, tổng công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là tình trạng cung vượt cầu, dư cung khoảng 25 triệu tấn xi măng.

Nghe vậy, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét rằng báo cáo của VICEM vẫn mang dáng dấp của kế hoạch hóa tập trung, trong khi số liệu về sản lượng rất nhiều mà số liệu về tài chính rất ít. “Vì sao lại tăng sản lượng khi cung đang thừa? Bởi khi tăng sản lượng đôi khi sẽ khiến đất nước mất tài nguyên” - TS Cung đặt câu hỏi.

Trước việc giá xi măng của ta rẻ hơn các nước, ông Cung cũng băn khoăn: “Có phải tài nguyên đang bị khai thác và sử dụng rẻ không? Giả sử chúng ta xuất khẩu với giá rẻ bằng một nửa của Indonesia thì rõ ràng ta đang bán rẻ tài nguyên của đất nước”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Tổng Công ty Xi măng phải có cách làm khác biệt để tạo đột phá trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân luôn đổi mới rất mạnh mẽ”. Ảnh: Đ.MINH

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Tổng Công ty Xi măng phải có cách làm khác biệt để tạo đột phá trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân luôn đổi mới rất mạnh mẽ”. Ảnh: Đ.MINH

Kế đó, ông Cung kiến nghị Thủ tướng nên giao VICEM tăng ít nhất 20% hiệu quả. Tức là gấp ba lần tăng trưởng của nền kinh tế, bởi khi chịu áp lực mới bật ra những suy nghĩ khác biệt và tạo ra được những giải pháp đột phá.

 “Các doanh nghiệp (DN) nhà nước có dư địa rất lớn để tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng chung. Nhưng phải dựa vào giá trị gia tăng, vào tăng năng suất, hiệu quả chứ không phải sản lượng, thể hiện qua lợi nhuận và tiền lương của người lao động chứ không phải tăng bao nhiêu sản lượng hay bán rẻ tài nguyên” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng tình, Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên cho rằng trong phát triển kinh tế đang có câu chuyện đánh đổi. Đặc biệt là những ngành khai thác tài nguyên như VICEM chắc chắn là đánh đổi cực kỳ lớn.

Để chứng minh, ông Thiên kể ông đi Trung Quốc hay Thái Lan rất nhiều lần và đều thấy xu hướng đóng cửa bớt các nhà máy xi măng nhưng VN lại có xu hướng tưng bừng lên. “VICEM có thể phấn khởi nhưng đất nước VN có nên phấn khởi với việc Trung Quốc, Thái Lan nhường cho mình phần sản xuất xi măng hay không?” - ông Thiên nêu vấn đề.

Liên quan đến câu chuyện về giá, rõ ràng giá bán của VN chỉ bằng một nửa của Indonesia, Philippines. “Tại sao thấp vậy ta vẫn buộc phải bán, dù chất lượng tốt như vậy? Hay ta xuất khẩu clinker nhiều, xuất khẩu xi măng ít, tức là ta xuất khẩu tài nguyên thô. Đây là câu chuyện không chỉ của riêng VICEM mà là của ngành, của quốc gia” - ông Thiên nhấn mạnh.

Phản hồi ý kiến các chuyên gia, Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải nói mục tiêu của VICEM là so sánh, phấn đấu tương đương các tập đoàn lớn trong khu vực. VICEM cũng không tăng sản lượng tràn lan mà mục tiêu đặt ra là tăng giá trị gia tăng và hiệu quả.

“Công suất dây chuyền không thay đổi được nhưng chúng tôi đưa phụ gia vào, trước đây một tấn xi măng cần 85% clinker nhưng hiện nay chỉ cần 65%, vừa tiết kiệm đồng thời tăng được sản lượng. Đó là con đường giúp VICEM bốn năm qua giá không tăng nhưng lợi nhuận tăng trưởng 20%/năm” - ông Khải phân trần.

Chở xi măng tới từng nhà dân

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay quy hoạch dự kiến xuất khẩu xi măng đạt 15%-17%. “Chúng ta có lượng xi măng dư thừa, biện pháp là chúng ta xuất khẩu để bảo đảm sản xuất một cách liên tục. Chúng tôi cũng không thích xuất khẩu xi măng, không khuyến khích nhưng phải có xuất khẩu” - ông Khánh cho hay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đã truyền đạt bảy vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ muốn VICEM báo cáo, giải trình thêm. Trong đó đáng chú ý, Thủ tướng nhắc VICEM cần quan tâm củng cố bộ máy, quan tâm công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy.

“Để sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng, một DN của Tổng Công ty Xi măng cần tới 1.500 lao động trong khi một công ty liên doanh chỉ cần hơn 1.000 lao động, tiết kiệm được 433 người” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.

Cạnh đó, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ tổng công ty mà cả ngành xi măng phải nghĩ tới việc tiết kiệm tài nguyên của đất nước. Bởi núi đá vôi chỉ có hạn, tài nguyên chỉ có hạn, nếu không có giải pháp lâu dài, căn cơ sẽ không đảm bảo phục vụ cho sản xuất lâu bền.

“Các DN tư nhân luôn đổi mới rất mạnh mẽ. Như trong ngành xi măng, tôi biết nhiều công ty sẵn sàng chở xi măng tới từng nhà ở quê, chở ra tận cánh đồng để làm đường nông thôn mới” - ông Dũng dẫn chứng.

Thua kém xa công ty liên doanh

Giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải thừa nhận: Có những nhà máy liên doanh sản lượng sản xuất vài triệu tấn nhưng chỉ cần 500 lao động. Vì vậy, nếu các công ty thuộc VICEM không giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động sẽ không thể cạnh tranh được.

“VICEM hiện nay có 14.000 cán bộ, nhân viên để sản xuất 26 triệu tấn xi măng mỗi năm” - ông Khải so sánh và cho biết thêm hai năm nay, mỗi năm VICEM giảm 400-500 con người. Mục tiêu đưa ra là các nhà máy sản xuất 2-3 triệu tấn giảm khoảng 300 con người; 1.100-1.200 người giảm xuống còn 800, bởi còn những vấn đề lịch sử.

Phải xem lại xuất khẩu giá rẻ

Nếu giá xi măng xuất khẩu chỉ rẻ bằng một nửa của Indonesia hay Philippines trong khi chất lượng tốt thì phải tính toán lại. Như Thủ tướng đã chỉ đạo là không tăng sản lượng dầu thô vì tăng trưởng nếu giá dầu thấp. Tăng trưởng phải bền vững, hiệu quả. Không lấy sản lượng làm mục tiêu mà phải bảo đảm hiệu quả cuối cùng.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG

ĐỨC MINH

Thep PLTP

largeer