Giá thép “leo thang”: Người biết lo xa vẫn ung dung “vượt bão”

Thứ ba, 09/04/2019, 09:40 AM

Cùng với giá xăng, giá điện, giá thép đang trong những ngày “leo thang” chóng mặt. Nhiều người lo ngại hiện tượng này sẽ gây áp lực lên sức mua của người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Lo ngại này có thể đúng với giá điện, giá xăng nhưng không đúng hoàn toàn với giá thép, bởi trong “cơn bão giá” lần này, người biết lo xa vẫn dễ dàng vượt qua.

Nguyên nhân không chỉ giá điện, giá xăng

Từ đầu năm 2019 tới nay, thị trường thép Việt Nam đã trải qua khoảng 4 lần biến động giá theo xu hướng “nóng” lên rõ rệt. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá xăng, giá điện “rủ nhau” tăng mạnh khiến người tiêu dùng lo ngại nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cước vận tải, giá thép,... sẽ tăng theo.

Trong khi cước vận tải chưa có động thái “té nước theo mưa” thì giá thép đã tăng thêm một lần nữa. Tuy nhiên, theo các công ty thép, giá điện, giá xăng tăng mạnh chỉ là nguyên nhân rất nhỏ khiến thị trường “nóng” lên trong đợt tăng giá lần này. Giá vật liệu đầu vào mới tác động nhiều nhất tới giá thép trong nước.

Cụ thể, đại diện CTCP Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị cung cấp thép lớn nhất cả nước cho biết giá điện tăng không ảnh hưởng quá lớn vì Hòa Phát chủ động được nguồn điện. Giá quặng tăng sau sự cố vỡ đập ở Brazil mới là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá thép.

Sự cố vỡ đập diễn ra hồi tháng 1/2019 tại Brazil của Vale, tập đoàn khai quặng lớn nhất thế giới không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người, là thảm họa môi trường mà còn khiến nguồn cung quặng giảm sút mạnh. Theo ước tính của Vale, doanh số bán quặng sắt năm 2019 sẽ giảm 75 triệu tấn so với kỳ vọng trước đó.

Kết quả là, giá thép trong nước của rất nhiều công ty, từ nhỏ tới lớn đồng loạt tăng mạnh. Từ cuối tháng 3, giá thép tại các công ty như Hòa Phát, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Công ty sản xuất thép Australia SSE... đồng loạt tăng từ 100.000 đồng/tấn tới 200.000 đồng/tấn. Cộng với các lần tăng trước đây, giá thép tăng từ 500.000 đồng tới 700.000 đồng/tấn.

Giá thép tăng mạnh nhưng nếu có kế hoạch, doanh nghiệp vẫn

Giá thép tăng mạnh nhưng nếu có kế hoạch, doanh nghiệp vẫn "sống khỏe".

Người biết lo xa vẫn ung dung “vượt bão”

Giá thép tăng, các nhà thầu, công ty xây dựng và những hộ gia đình có kế hoạch xây nhà chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau rất nhiều, phụ thuộc vào khả năng “biết lo xa” của mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện một công ty xây dựng có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng, đơn vị xây dựng nhiều công trình lớn ở Việt Nam khẳng định giá thép tăng đợt này không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty vì “công ty là đối tác chiến lược của nhà cung cấp thép lớn nhất Việt Nam. Hợp đồng đã được ký từ lâu nên giá tăng ít hay tăng nhiều cũng không tác động đến công ty”.

Trong khi đó, ông Vương Quốc Vinh, ông chủ của CTCP Kim khí Thành Vinh - Trung tâm Vật liệu xây dựng cho biết giá thép nhập vào lần này của Công ty Thành Vinh tăng 100.000 đồng/tấn. Đây là mức tăng thấp, công ty không phải điều chỉnh giá bán ra cho khách hàng.

Tuy nhiên, cộng với 3 lần tăng từ đầu năm, giá thép nhập vào của công ty đã tăng 700.000 đồng/tấn. Vì vậy, công ty phải điều chỉnh giá bán ra tăng từ đầu năm nay nhưng để “giữ khách”, giá bán ra tăng thấp hơn giá công ty nhập vào.

“Trong đợt tăng giá từ ngày 25/3, thị trường không bị ảnh hưởng vì mức tăng 100.000 đồng/tấn là không cao nhưng trong 3 đợt điều chỉnh hồi đầu năm, cũng có người lo lắng. Thế nhưng, doanh số của chúng tôi không bị ảnh hưởng. Đó là do quý 1 hàng năm luôn là khoảng thời gian cao điểm của ngành xây dựng. Thêm vào đó, khách hàng của tôi có thói quen đặt hàng từ trước nên họ được hưởng mức giá cũ. Còn với hộ gia đình, xây nhà là việc lớn, được lên kế hoạch từ rất lâu nên ngay cả khi giá thép tăng mạnh, họ vẫn phải thực hiện kế hoạch của mình” - ông Vinh phân tích.

Ngoài ra, ông Vinh cho biết thêm, tốc độ tăng của giá thép còn tùy thuộc vào từng khu vực. Khu vực nào có mật độ xây dựng nhiều hơn thì giá thép tăng mạnh hơn. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa nếu có kế hoạch sớm trong mua bán, người tiêu dùng sẽ tránh được nhiều thiệt hại do biến động giá đem lại.

Vy Vy

Theo NTD

largeer