Giấc mơ tuổi xế chiều của họa sĩ Hoài Nam

Thứ năm, 09/08/2018, 10:04 AM

Gần 90 tuổi, đôi mắt đã mờ không thấy rõ khuôn mặt của người đối diện nhưng người hoạ sĩ tài hoa Hoài Nam vẫn nuôi hi vọng có thể hoàn thành bộ sách “Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự” mà ông đã ấp ủ gần 50 năm.

Cuộc đời của hoạ sĩ Hoài Nam

Từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và tham gia vẽ băng rôn, biểu ngữ trong phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên do Trần Văn Ơn lãnh đạo, hoạ sĩ Hoài Nam cho biết, ông chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một hoạ sĩ chuyên về thiết kế sân khấu. Cái duyên đó đến từ một người bạn là con của nghệ sĩ cải lương Năm Châu. Ban đầu, ông được mời vào đoàn cải lương để phụ việc cho những người hoạ sĩ đi trước trong khâu thiết kế sân khấu. Đây là một công việc hoàn toàn mới lạ khác hẳn với những gì mà ông đã từng được học ở trường.

Sau một thời gian, ông trở thành một hoạ sĩ lành nghề và là một trong những người có công lao rất lớn trong việc thay đổi thiết kế từ sân khấu nhỏ chuyên hát ở đình, ở chợ sang một quy mô lớn hơn là ở các rạp hát. Ông trở thành gương mặt vàng được nhiều đoàn cải lương săn đón. Không chỉ dừng ở đó, ông được đạo diễn Lê Dân (du học tại Pháp) và nhiều đạo diễn khác mời dựng cảnh hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Trần Thị Diễm Châu, Lan và Điệp, Nghêu sò ốc hến…

Hoạ sĩ Hoài Nam sống trong căn phòng nhỏ tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Hoạ sĩ Hoài Nam sống trong căn phòng nhỏ tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Là một người hoạ sĩ tài hoa, thế nhưng ở tuổi gần đất xa trời, ông lại sống lẻ loi, cô độc, không vợ con trong căn phòng nhỏ hẹp ở Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ (quận 8, TP.HCM). Tai của ông giờ đã không nghe rõ và mắt phải đã không thấy gì, còn mắt trái chỉ thấy được những hình ảnh mờ ảo. Ông mang trong mình nhiều căn bệnh và đi lại rất khó khăn...

Tưởng chừng những điều đó đã làm cho ông tuyệt vọng, nhưng không, bên trong con người ông luôn tồn tại một sự lạc quan, một niềm tin mãnh liệt về cuộc sống. Ngày đêm, ông vẫn miệt mài thực hiện ước mơ cuối đời của mình, một ước mơ mà ông đã ấp ủ suốt gần 50 năm qua.

Giấc mơ tuổi xế chiều

Dù được mọi người biết đến với vai trò là một hoạ sĩ nhưng từ rất lâu Hoài Nam đã dành thời gian nghiên cứu về chữ Nho và đó là một đam mê to lớn trong cuộc đời ông. Nói về điều này, ông cho biết, chữ Nho và hội hoạ có mối liên hệ rất khắng khít với nhau. Bằng con mắt của người hoạ sĩ ông có thể lý giải được tính hình tượng trong từng con chữ.

Đôi mắt tuy đã mờ nhưng ông vẫn có thể mày mò viết ra từng nét chữ dưới ánh đèn và ông xem đó là một điều may mắn mà mình có được ở thời điểm hiện tại. Về sự nghiệp biên soạn sách chữ Nho, ông đã thực hiện từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2010, quyển sách đầu tiên “Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự” của ônh  mới được xuất bản với sự tài trợ của Nhà Xuất bản Trẻ. Quyển sách thứ 2 đang trong giai đoạn hoàn thành những khâu cuối cùng nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tìm người sắp xếp các chữ Nho. Và, có một người bạn từng học chuyên ngành tiếng Nhật và biết về Hán tự đã hứa sẽ giúp ông trong công đoạn này.

Quyển sách đầu tiên của ông do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2010

Quyển sách đầu tiên của ông do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2010

Cuốn "Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự" được hoạ sĩ Hoài Nam viết, nhằm giải mã chữ Nho, dưới góc nhìn của hội họa. Từ đó, có thể tạo một phương pháp Hán Nôm mới với 17 phép biến, trong đó có 310 hình và thức khác nhau, dựa trên cách biến của Hình, Âm, Ý và Ký hiệu. Họa sĩ Hoài Nam cắt nghĩa: "Hoạ là vẽ, tự là chữ. Hoạ tự là vẽ chữ. Trong khi chữ Nho là chữ tượng hình. Vì thế, ngôn ngữ của tượng hình chính là ngôn ngữ của hội hoạ".

Công trình "Giải mã Hán Việt Nôm" của hoạ sĩ Hoài Nam tập hợp 6.000 hình, được vẽ từ 8.000 chữ Hán cơ bản. Riêng với tập sách đầu, ông tập trung phân tích các đường nét của chữ, từ đó góp phần vào việc giải mã những nghĩa có nguồn gốc phức tạp của chữ Hán sang tiếng Việt.

Đã gần 90 tuổi, dù không có điều kiện để hưởng thụ nhưng chắc chắn hoạ sĩ Hoài Nam có quyền được nghỉ ngơi nhưng ông đã chọn con đường tiếp tục lao động để hoàn thành giấc mơ của đời mình. Ngày trẻ, ông làm đẹp cho sân khấu để những nghệ sĩ có nơi thăng hoa, toả sáng với lời ca tiếng hát. Về già, ông làm đẹp cho tri thức, cho những người yêu mến con chữ có nhiều nguồn tài liệu hơn trong việc tham khảo.

Điều đáng khâm phục nhất ở ông, có lẽ chính là niềm tin vào cuộc sống. Ông chia sẻ: “Bộ sách của tôi, nếu muốn đầy đủ, có lẽ phải đến bốn quyển thì người đọc mới giải đáp hết những vấn đề thắc mắc. Sau khi viết xong quyển hai, đang có đà tôi sẽ thực hiện luôn quyển ba, quyển tư cho kịp, vì thời gian của tôi không còn nhiều”. Với những người ở độ tuổi của ông, người ta thường nghĩ đến cái ngày mình phải ra đi nhưng với ông thì khác, ông vẫn luôn nghĩ về giấc mơ của mình và tìm mọi cách để hoàn thành một cách trọn vẹn.

Một phần trong bản thảo quyển sách thứ 2 của hoạ sĩ Hoài Nam

Một phần trong bản thảo quyển sách thứ 2 của hoạ sĩ Hoài Nam

Không ai biết được rằng, ông có hoàn thành được bốn quyển sách của mình hay không. Song, khi con người còn sống, còn nhận thức là còn quyền mơ ước. Mong ông giữ mãi niềm tin vào những điều đang có thì chắc rằng giấc mơ tuổi xế chiều của người họa sĩ tài hoa sẽ sớm thành hiện thực!

Bài: Đức Tiến
Ảnh: Thanh Nhung

Theo NTD

largeer