Giải pháp chống ngập thông minh kiểu mới

Thứ năm, 24/05/2018, 09:26 AM

Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước và Môi trường TPHCM, đề xuất giải pháp chống ngập kiểu mới, với kinh phí nhỏ nhất nhưng có thể mang hiệu quả lớn.

LTS: TPHCM đang hướng tới mục tiêu trở thành TP thông minh. Cùng với đó, trong bối cảnh triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thì càng đòi hỏi chống ngập là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần nhanh chóng giải quyết. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước và Môi trường TPHCM, đề xuất giải pháp chống ngập kiểu mới, với kinh phí nhỏ nhất nhưng có thể mang hiệu quả lớn.

TPHCM có nhiều cố gắng, đã làm được nhiều việc, song kết quả chống ngập nước vẫn chưa tương xứng với tiền bạc và công sức đã bỏ ra. Những trận mưa đầu mùa vừa xảy ra gần đây trên địa bàn TPHCM đã có nhiều điểm ngập. Một số nơi khác trong nội thành dù đã thực hiện các dự án chống ngập nhưng nước vẫn lênh láng.

Cần giải pháp phù hợp hơn

Thực tế, ngập vẫn hoàn ngập. Chống ngập rồi lại tái ngập, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Đó là vì mỗi điểm ngập có nguyên nhân khác nhau. Nếu không điều tra, tìm hiểu kỹ để bắt đúng bệnh sẽ khó có thuốc chữa chính xác và hiệu quả. Tương tự, các giải pháp chống ngập do triều cường đang thực hiện dường như cũng chưa được nghiên cứu kỹ; kinh phí cao, thời gian thực hiện quá dài và có nhiều khiếm khuyết nên thực hiện có thể sẽ gây lãng phí, kém hiệu quả.

Cụ thể, quy hoạch thủy lợi chống ngập 1547 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 (gọi tắt quy hoạch 1547) không phải là giải pháp tốt chống ngập do triều cường cho TPHCM nên cần nghiên cứu giải pháp khác phù hợp hơn. Mặc khác, thực hiện quy hoạch này cần số vốn rất lớn. Tại thời điểm phê duyệt, kinh phí thực hiện quy hoạch 1547 vào khoảng 11.530 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch đã hơn 65.000 tỷ đồng (và có khả năng còn đội vốn, lên khoảng 100.000 tỷ đồng).

Gần đây, Bộ NN-PTNT lại đề xuất dự án mới chống ngập cho 7 tỉnh toàn Vùng TPHCM. Đó là kế hoạch xây tuyến đê biển khổng lồ từ Gò Công đến Vũng Tàu dài 32km. Nếu thực hiện dự án này thì quy hoạch 1547 không còn cần thiết nữa. Bởi không có lý do gì tồn tại song song 2 dự án tốn tiền cho cùng một mục đích. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến không đồng tình về dự án đê biển khổng lồ này, do giải pháp dựa theo kiểu mẫu của Hà Lan từ thế kỷ trước. Trong khi từ năm 2004, Hà Lan đã loại bỏ công trình kiểu này và khuyến cáo “đây là giải pháp công trình sẽ để lại nhiều hối tiếc về môi trường và xã hội”.

Dự án này cũng có nhiều nhược điểm như kinh phí xây dựng quá lớn (ban đầu khoảng 60.000 tỷ đồng, nay dự kiến 156.000 tỷ đồng) và thời gian thi công lâu (5 - 7 năm). Khi tuyến đê bao này hình thành sẽ gây trở ngại lớn cho tuyến giao thông thủy huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; gây ô nhiễm vịnh Gành Rái; làm tăng chi phí duy tu nạo vét luồng lạch; ảnh hưởng đến luồng cá đi, đẻ trứng làm giảm sản lượng khai thác đánh bắt... Ngoài ra, mục tiêu chống lũ lụt và khả năng thoát lũ khó đạt yêu cầu. Do đó, theo tôi nên chấm dứt nghiên cứu dự án đê biển khổng lồ này.

Trong khi đó, giải pháp chống ngập do mưa lũ tại TPHCM chưa được hoàn chỉnh, hữu hiệu. Hiện TP vẫn thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 (theo Quyết định 752/2001 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu về sự thay đổi của TP về địa hình, địa mạo, phát triển đô thị và biến đổi khí hậu… nên hầu như cứ mưa là nhiều tuyến đường bị ngập.

Việc tiếp tục thực hiện các giải pháp lỗi thời, thiết kế không đúng với thực tế, gây tốn kém nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Vì vậy, các giải pháp chống ngập cho TP cũng cần thay đổi theo.

Vị trí đề xuất xây dựng đập ngăn triều thông minh kiểu mới trên sông Vàm Cỏ

Vị trí đề xuất xây dựng đập ngăn triều thông minh kiểu mới trên sông Vàm Cỏ

Giải pháp “Kè hở áp lực - Cột nước thấp”

Vậy giải pháp nào hữu hiệu, ít tốn kém, thời gian thực hiện nhanh hơn để giải quyết bài toán chống ngập cho TP? Theo tôi đó là giải pháp ngăn triều thông minh kiểu mới trên sông Vàm Cỏ.

Cụ thể, với giải pháp này sẽ xây dựng đập ngăn triều dài khoảng 3km, sâu 5 - 6m tại vị trí phía dưới ngã ba sông Vàm Cỏ - Soài Rạp (cách cửa biển 11km hoặc 16km). Đi kèm theo đó là xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với quốc lộ 50 dài 10km hoặc sử dụng đường hiện hữu là quốc lộ 50 - phà Vàm Láng làm đê bao. Ngoài ra, có thể lợi dụng việc xây đập để xây dựng tiếp nối các công trình phía phải đập nối với quốc lộ 51 (nếu muốn liên kết giao thông liên vùng) và mở rộng mặt cắt đoạn cuối rạch Gò Công ra biển để thoát lũ, nhất là khi cần thoát lũ nhanh cho vùng Đồng Tháp Mười.

Điểm cốt lõi và khác biệt của dự án này với các dự án khác của Bộ NN-PTNT là vị trí xây dựng đập và áp dụng loại đập ngăn triều thông minh kiểu mới.

Theo đó, đập kiểu mới không đóng kín dòng sông mà để mở cửa ở giữa sông với chiều rộng vài trăm mét, nhằm hạn chế nước triều vào sông. Điều này giúp giảm mức nước triều cao ở phía trên đập và chống ngập do triều rất hiệu quả. Chiều rộng cửa ở giữa sông phải đảm bảo cho tàu ghe lớn đi lại và giảm mức nước triều trên sông như mong muốn. Hai bên cửa mở giữa sông là đập bê tông gồm các trụ bê tông có gắn lá sách bằng thép không rỉ để khi triều lên, các lá sách tự động đóng lại không cho nước vào sông. Khi triều rút, lá sách lại tự động mở để đưa nước mưa, nước bẩn thoát ra biển... Đây là công trình thực hiện theo giải pháp có tên gọi “kè hở áp lực - Cột nước thấp”, đang được thí điểm tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai từ năm 2017.

Về vị trí, đập được xây dựng tại cửa sông Soài Rạp. Xây đập tại nơi này sẽ giúp chúng ta chỉ cần xây dựng đập duy nhất mà có thể giải quyết việc chống ngập cho toàn vùng TPHCM. Chọn vị trí này cũng không vấp các nhược điểm của các đập vòng trong (theo quy hoạch 1547) và đập cửa biển (dự án đê biển Gò Công - Vũng Tàu) trước đây.

Trước mắt, chỉ cần xây đập Soài Rạp là đủ ứng phó cho kịch bản nước biển dâng đến năm 2050. Trong tương lai, đến năm 2100, khi nước biển dâng cao có thể linh hoạt giải quyết bằng cách thu hẹp cửa mở ở giữa sông hoặc xây dựng thêm đập Lòng Tàu, Vàm Sát để đảm bảo nước triều ở mức 1,32m như cũ. Giải pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội nên cần được nghiên cứu nhằm góp phần nhanh chóng giải quyết ngập cho TPHCM với kinh phí nhỏ nhất.

Nhiều ưu điểm nổi bật

- Kinh phí đầu tư xây dựng không lớn, vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng (bằng 1/10 - 1/15 kinh phí thực hiện quy hoạch 1547).

- Thời gian thực hiện nhanh, khoảng 2-3 năm và quản lý không phức tạp.

- Quy mô phục vụ chống ngập lớn, lên đến hơn 21.850km², gấp 33 so với quy hoạch 1547.

- Phục vụ việc chống ngập do mưa lũ tốt hơn và làm tăng đất đai xây dựng đô thị. Nếu hạ được mức triều trên sông khoảng 40cm, tới mức 1,32m thì 50% diện tích của TPHCM sẽ không bị ngập nữa và có thêm 284km² đất để phát triển đô thị. Con số này bằng 2,7 lần diện tích vùng trung tâm TP đã xây dựng hiện nay (106,4km²). Ngoài ra, theo tính toán sơ bộ chỉ với việc hạ 0,4m nước, hệ thống các sông Đồng Nai - Sài Gòn - Vàm Cỏ sẽ có thêm dung tích chứa ít nhất 61triệu m3, góp phần hữu hiệu cho việc chống ngập khi mưa to, lũ lớn.

-  Chế độ mặn trên sông cũng giảm đi rõ rệt, các nhà máy nước Hóa An và Tân Hiệp không còn lo bị mặn nữa.

-  Không trở ngại cho giao thông thủy, không làm ô nhiễm kênh rạch và vịnh Gành Rái.

-  Không làm thay đổi môi trường sinh thái, cảnh quan khu bảo vệ sinh quyển ngập mặn Rừng Sác - Cần Giờ.

Bên cạnh ngập do triều, mưa cũng gây ra ngập úng nghiêm trọng nên cần tập trung nhiều hơn để giải quyết. Nguyên nhân ngập do mưa khá phức tạp nên cần tìm hiểu kỹ từng điểm ngập, từng khu vực để có giải pháp tốt nhất. Một số giải pháp kiến nghị để giải quyết dứt điểm các điểm ngập nặng thường xuyên hiện nay.

 Về nguyên nhân, có thể phân loại khác nhau như:

- Do biến đổi khí hậu, phát triển đô thị nên nước mưa chảy nhiều so với khả năng thoát nước của cống. Biện pháp khắc phục: Kiểm tra lại khả năng thoát, thay cống lớn hơn hoặc bổ sung cống phụ.

- Do thiết kế cống không đảm bảo độ dốc, độ sâu chôn cống tại các cửa xả thấp hơn mức triều làm giảm khả năng thoát nước và gây ra ngập. Biện pháp khắc phục: Thay cống hoặc dùng bơm cục bộ thoát nước ra sông.

- Do bùn rác lấp đầy tại miệng hố ga thu nước, miệng hố ga thu nước nhỏ, bùn rác đọng lại trong lòng cống làm tắc nghẽn dòng chảy. Biện pháp khắc phục: Tăng cường công tác quản lý, thay thế hố ga thu nước hiện nay bằng các hố ga cải tiến ngăn rác...

- Do cốt nền đường quá thấp. Biện pháp khắc phục: Dùng bơm cục bộ thoát nước ra sông.

- Do sụt lún lãnh thổ làm cống gãy, bể. Biện pháp khắc phục: Thiết kế móng cống chống sụt lún...

 Ngoài ra, TPHCM cũng cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch và các dự án thoát nước trên địa bàn hiện nay. Từ đó, tính toán kiểm tra lại các tuyến cống chính, rà soát toàn bộ các quy hoạch và dự án thiết kế yếu kém, lạc hậu, kinh phí quá cao. Việc quan trọng cần thực hiện lúc này là mau chóng lập quy hoạch tổng thể thoát nước chuyên ngành cho TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thay thế quyết định 752 đã lỗi thời và không còn phù hợp với TPHCM hiện nay.

KS VŨ HẢI

Theo SGGP

largeer