Giành giật danh hiệu và cạnh tranh kinh tế trong cuộc đua 5G

Thứ ba, 16/04/2019, 16:15 PM

Mạng 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho ngành viễn thông, công nghệ và kinh tế trong thập niên tới. Dẫn đầu trong cuộc đua mới sẽ giành được lợi thế cạnh tranh và thị trường. Chính vì thế, chính phủ và doanh nghiệp các quốc gia công nghiệp phát triển đang dốc toàn lực, canh chừng đối thủ từng chút một.

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu “Hàn Quốc phải dẫn đầu trong cuộc đua 5G như đã từng chiến thắng trong trận đấu 4G”. (Ảnh: Reuters).

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu “Hàn Quốc phải dẫn đầu trong cuộc đua 5G như đã từng chiến thắng trong trận đấu 4G”. (Ảnh: Reuters).

Kèn cựa giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc

Hôm 3/4, hãng viễn thông Verizon của Hoa Kỳ khai trương mạng viễn thông thương mại 5G tại hai thành phố Minneapolis và Chicago nhằm giành danh hiệu “mạng 5G đầu tiên trên thế giới”. Lễ này được thực hiện sớm hơn dự định 8 ngày.

Để giành danh hiệu với Verizon, Samsung và ba nhà mạng của Hàn Quốc - SK Telecom, KT và LG Uplus - đã vội vã làm lễ khai trương sớm hơn Verizon chỉ... một tiếng đồng hồ. Hai ngày sau, người dân Seoul mới chính thức được sử dụng điện thoại 5G Galaxy S10 đầu tiên trên mạng 5G.

“Chúng tôi quyết định khai trương sớm hơn thời gian dự định hai ngày để tuyên bố với thế giới rằng Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới có mạng 5G” - bản thông cáo của SK Telecom nhấn mạnh.

Verizon sau đó đáp trả và gọi đó là màn truyền thông dỏm mà các công ty Hàn Quốc cố tình tạo dựng. “Họ không thể mời các ngôi sao thể thao, giọng ca Kpop cầm vài cái điện thoại và rồi tuyên bố chúng tôi là mạng 5G đầu tiên trên thế giới. Verizon thật ra đã giới thiệu mạng băng thông rộng 5G đầu tiên trên thế giới từ tháng 10 năm ngoái” - CEO Verizon Hans Vestberg nói. Hãng này cũng nói rằng dịch vụ 5G sẽ triển khai tại 30 thành phố ở Hoa Kỳ trong năm nay.

Các công ty sản xuất điện thoại như Samsung và LG là những người đầu tiên hưởng lợi từ việc sớm áp dụng 5G. “Mạng 5G được thương mại hóa tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ từ quý 2/2019, Samsung Electronics và LG Electronics dự kiến sẽ tăng thị phần của họ do hòa mạng 5G sớm” - Jeff Kim thuộc Công ty Chứng khoán KB Securities nhận định. Trong khi đó, Kim nói rằng Huawei và Apple sẽ không có điện thoại 5G vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Ai dẫn đầu trong cuộc đua 5G?

Hàn Quốc luôn đặt mục tiêu là các tập đoàn nước này phải dẫn đầu thế giới trong cuộc đua 5G. “Chính phủ thúc đẩy các công ty viễn thông Hàn Quốc phải dẫn đầu trong khi nơi khác lại do dự. Chính phủ mong muốn các công ty Hàn Quốc sẽ lại đi đầu trong cuộc đua 5G, giống như đã từng trong cuộc đấu 4G. Lý do khác là yếu tố địa lý và mật độ dân số. Khoảng 40% trong tổng số 50 triệu dân Hàn Quốc sống ở Seoul và khu vực đô thị xung quanh. Một khu vực nhỏ hơn, đông dân hơn sẽ khiến việc đầu tư dễ hơn, không giống như ở Hoa Kỳ và Trung Quốc” - Sean Hwang, nhà phân tích thuộc Moody’s Inverstors Service, nói.

Dù Hàn Quốc cố giành danh hiệu, nhưng một khảo sát của Hiệp hội Internet và Viễn thông di động (CTIA) nhận định Hoa Kỳ và Trung Quốc lại là hai nền kinh tế hàng đầu đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng 5G. Hàn Quốc xếp thứ ba, kế đến là Nhật Bản và Anh.

CTIA cũng nói rằng Trung Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có mạng 5G vào năm 2020 nhưng quốc gia này lại dẫn đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho 5G. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các hãng viễn thông xây dựng mạng lưới dày đặc các trạm tiếp sóng 5G. Một nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có 14 trạm phát sóng di động trên 10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 4,7. Việc chính phủ và các công ty công nghệ Hoa Kỳ đổ vốn đầu tư trong năm ngoái đã giúp Hoa Kỳ từ vị trí thứ ba vươn lên dẫn đầu trong năm nay.

Trải nghiệm trên điện thoại Samsung Galaxy S10 trên mạng 5G đầu tiên ở Seoul: Nhanh hơn 4G, nhưng không nhanh hơn 100 lần như đã quảng cáo và mạng kém ổn định. (Ảnh: Kenichi Yamada).

Trải nghiệm trên điện thoại Samsung Galaxy S10 trên mạng 5G đầu tiên ở Seoul: Nhanh hơn 4G, nhưng không nhanh hơn 100 lần như đã quảng cáo và mạng kém ổn định. (Ảnh: Kenichi Yamada).

“Cách mạng toàn diện” tại Hàn Quốc

Người vui mừng nhất khi 5G đi vào hoạt động có lẽ là Tổng thống Moon Jae-in với niềm tin mãnh liệt rằng Hàn Quốc sẽ là sức bật mới khi trở thành một quốc gia công nghệ như Nhật Bản. Văn phòng tổng thống cho rằng công nghệ mới sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới trị giá khoảng 212 tỷ USD và sẽ tạo ra giá trị thặng dư 345 tỷ USD khi tăng tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp khác.

Tốc độ mạng 5G được các hãng viễn thông Hàn Quốc quảng cáo là nhanh gấp 20-100 lần tốc độ của mạng 4G hiện nay. Một bộ phim dài hai tiếng đồng hồ sẽ chỉ cần 3 giây để download, tức bằng 1% mức thời gian 5 phút hiện nay.

Lĩnh vực gaming trên mạng sẽ có lực đẩy mới nhờ tốc độ nhanh của 5G bởi người chơi có thể tương tác trực tiếp trong các trò chơi “Ragnarok Clicker H5” hoặc trò hẹn hò “Love Revolution”. Các nhà phân tích cũng nói rằng mạng di động nhanh hơn sẽ tạo biến chuyển trong lĩnh vực truyền thông, bán lẻ, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực công nghệ khác.

“Mọi người sẽ có thể truy cập nhanh hơn dữ liệu y tế, sức khỏe của mình. Việc giải phẫu và điều trị từ xa sẽ trở nên dễ dàng hơn, phổ biến hơn” - James Kim thuộc Viện Chính sách công Asan ở Seoul nhận định.

Kim nói các công ty giao nhận sử dụng drone sẽ cắt giảm thời gian giao nhận và chi phí. Trong khi đó, ở mảng bán lẻ, người ta sẽ tập trung vào sáng tạo và giao nhận (logistics) nhiều hơn là trưng bày và sắp xếp cửa hàng cụ thể...

Tập đoàn bán lẻ Shinsegae điều hành chuỗi trung tâm mua sắm, siêu thị điện tử Emart và các cửa hàng tiện lợi trong tuần rồi đã ký với SK Telecom thỏa thuận phát triển nền tảng mua sắm ảo và mua sắm thật. Khi khách hàng vào cửa hàng của Shinsegae, các thông tin và sở thích của khách sẽ được hiển thị, các cửa hàng sẽ chọn các sản phẩm thích hợp để giới thiệu. Các kỹ thuật 5G của SK Telecom sẽ giúp khách của Shinsegae có trải nghiệm mua sắm ảo và quyết định mua mà không tới cửa hàng.

Tháng 12/2018, 19 tập đoàn và các viện nghiên cứu đã họp tại Seoul lập Liên minh Nhà máy Thông minh 5G để dẫn đầu trong việc tiêu chuẩn hóa nhà máy thông minh trên toàn cầu. Với mạng tốc độ cao, robot công nghiệp sẽ làm việc hiệu quả hơn, quản lý chất lượng cũng cải thiện. Skelter Labs, một startup về trí thông minh nhân tạo tham gia liên minh này nói rằng, “5G với AI sẽ tạo chuyển biến mới cho tất cả các ngành công nghiệp”. Công viên giải trí Seoul Land hợp tác với KT để tạo công viên ảo trên mạng 5G. Chính quyền thủ đô Seoul bắt tay với SK Telecom để tìm ra giải pháp điều hành tốt hơn mạng lưới giao thông công cộng của thành phố hơn 10 triệu dân.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer