Giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng: “Khoảng trống” giật mình trong đào tạo sư phạm?

Thứ sáu, 06/04/2018, 17:17 PM

Vụ nữ giáo viên tại Hải Phòng phạt học sinh bằng hình thức buộc uống nước vắt từ giẻ lau bảng làm dư luận sục sôi cho thấy những khoảng trống “chết người” trong đào tạo sư phạm.

Empty

Sau cảm giác bàng hoàng, nhiều người trăn trở: Trường sư phạm đã đào tạo nội dung gì, và dạy dỗ như thế nào, để dẫn đến sự việc cô giáo buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng. Nhìn lại, quả thật còn những “khoảng trống” giật mình trong đào tạo sư phạm.

Đã có rất nhiều ý kiến đề nghị sơ tuyển về hình thức, giọng nói, khả năng trình bày… các ứng viên thi vào trường sư phạm, nhưng đều bị bỏ qua. Hiện, học sinh chỉ cần có điểm thi đạt yêu cầu là trúng tuyển vào trường sư phạm. Thậm chí, còn có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”, tuyển những học sinh có điểm số quá thấp, dẫn đến lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) tương lai.

Mặt khác, trong giáo trình đào tạo của trường sư phạm, hiện vẫn chưa có nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Việc rèn luyện các kỹ năng đặc thù như diễn đạt, tranh luận, ứng xử sư phạm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các giáo sinh thực tập hầu như phải tự “bơi” trong thời gian thực tập khá ngắn ngủi. Một số nội dung đào tạo vẫn chưa thiết thực, thiên về lý thuyết, kiến thức hàn lâm, khác biệt với môi trường sư phạm thực tế.

Nhiều sinh viên thực tập, nghĩa là những sản phẩm sư phạm sắp “ra lò”, nhưng vẫn còn yếu kém về các kỹ năng sư phạm, không thể hoàn thiện trong thời gian thực tập ngắn ngủi, bận bịu. Mặt khác, dù đã làm những việc của một GV thực thụ, nhưng công việc của GV thực tập vẫn còn khoảng cách với GV chính thức.

Từ thực tế nói trên và những sự việc GV bạo hành học sinh hoặc vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần rà soát, xem xét quy trình, chương trình đào tạo sư phạm. Cần phải sơ tuyển, sát hạch về ngoại hình, thể chất, kỹ năng các ứng viên trường sư phạm. Do đây là nghề đặc thù, cần phải có những phẩm chất cần thiết, phù hợp.

Đồng thời, có cuộc “cách mạng” về chương trình đào tạo, theo hướng chú trọng rèn luyện năng lực, kỹ năng sư phạm để đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường sư phạm và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

HẢI ĐĂNG

Theo Laodong

largeer