Giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình

Thứ tư, 04/04/2018, 09:39 AM

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm nay và được tuyên truyền rộng rãi, cùng với đó là các địa phương triển khai, tổ chức chương trình về "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Thế nhưng, trên thực tế người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng về quyền lợi. Vậy cần có giải pháp gì để giúp các "thượng đế" tự bảo vệ mình hiệu quả hơn?

 Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Hàng tiêu dùng bị khiếu nại nhiều nhất

Theo Ban Chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), trong tháng 3-2018, các lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý 1.049 vụ, trong đó có 169 vụ hàng cấm, hàng lậu, 36 vụ liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ và 844 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực này là 88,15 tỷ đồng, bán hàng tịch thu gần 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra của công an và ngành Thuế là hơn 363,7 tỷ đồng.

Điển hình vụ việc mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông Nguyễn Năng Ngọc, tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, tạm giữ 644kg gân trâu, bò, lợn và 225kg phụ gia tẩy trắng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc…

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, trong năm 2017, ngành Hải quan đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 32 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 26 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Điển hình là vụ việc 4 container hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I.

Hàng hóa khai báo gồm: Kẹo, giày dép, quần áo, phụ tùng xe, phụ kiện điện thoại, đèn, nước xả vải, đồ dùng nhà bếp, đồ chơi... Song toàn bộ là hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ, gồm: 13.562 phụ kiện điện thoại giả nhãn hiệu Apple, 328 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Samsung, 8.050 bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu Puma, 8.380 bộ quần áo giả nhãn hiệu Nike, 28.730 bộ quần áo Adidas, 1.080 đôi giày Converse, 700 túi xách giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Giorgio Armani và Mont Blanc... Nếu không bị phát hiện, các vụ vi phạm trên gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, Cục đã tiếp nhận và xử lý trên 1.400 khiếu nại, yêu cầu liên quan đến hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng với số điện thoại miễn phí toàn quốc 1800.6838 đã ghi nhận có 5.990 cuộc gọi đến.

Ngành hàng có yêu cầu tư vấn, khiếu nại nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng với 177 trường hợp, chiếm khoảng 17,77%. Kế tiếp là nhóm đồ điện tử gia dụng với 147 trường hợp, chiếm 14,76% và nhóm điện thoại, viễn thông với 114 trường hợp, chiếm 11,44%. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng với 371 vụ việc, chiếm hơn 37%; kế tiếp là TP Hồ Chí Minh với 249 vụ việc, chiếm 25% tổng số khiếu nại.

Kết nối chặt để bảo vệ quyền người tiêu dùng

Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, 2017 là năm có nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, có giá trị lớn và liên quan đến nhiều người tiêu dùng hơn các năm trước đó. Có những vụ việc cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết... Điều đó cho thấy, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm nay, được tuyên truyền rộng rãi và các địa phương đều triển khai, tổ chức các chương trình về "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" nhưng chưa đem lại hiệu quả thực chất. Người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm về quyền lợi. Thậm chí, có nhiều người tiêu dùng im lặng bỏ qua, có trường hợp lại chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình. Khảo sát của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức cũng cho thấy, 40% người tiêu dùng tại Việt Nam lựa chọn im lặng khi xảy ra tranh chấp tiêu dùng.

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn cho rằng, để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng, các đầu mối triển khai công tác tại các địa phương cần kết nối chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi cho việc phối hợp. Với việc những tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng tăng lên mạnh mẽ, mô hình của các đơn vị này cũng cần được thống nhất trên toàn quốc.

Trong năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng. Qua đó tạo cho người tiêu dùng chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng tham gia tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tri ân tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phương thức tuyên truyền trên các mạng xã hội truyền thông hiện đại như YouTube, Facebook, Website,… Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, của hiệp hội và sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì bản thân người tiêu dùng cũng cần hiểu luật để tự bảo vệ mình.

Thanh Hiền

Theo HNM

largeer