Google giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế từ kinh doanh trực tuyến

Thứ tư, 04/09/2019, 10:00 AM

Là quốc gia có số lượng người sử dụng internet và nhu cầu mua bán trực tuyến khá cao, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt phân khúc này. Vừa qua Google đã hợp tác cùng Bộ Công thương Việt Nam với nhiều hứa hẹn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia vào các hệ thống kinh doanh online quốc tế.

Phần lớn doanh nghiệp nhỏ, chưa tận dụng được lợi thế

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, đạt 8,06 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cùng với đó, số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt gần 40 triệu người, với mức chi tiêu bình quân khoảng 210 USD/năm.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong 95% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng internet nhưng có tới 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong ứng dụng internet. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên về việc biến đổi làn sóng công nghệ số. Làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới cả doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNVVN. Tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với các DNVVN Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tốc độ phát triển công nghệ và làn sóng công nghệ số của Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tốc độ sẵn sàng cho nền kinh tế của công nghệ số Việt Nam còn yếu kém so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, chứ chưa thể so sánh với nhiều nước khác trên thế giới.

Theo thống kê của Google Customer Barometer, có hơn một nửa (54%) nguời Việt đã kết nối trực tuyến, với khoảng 52 triệu nguời dùng internet và Việt Nam là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến đứng thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Duơng, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Internet đã giúp chuyển biến nhiều khía cạnh cuộc sống hằng ngày tại Việt Nam, bao gồm cả cách thức nguời tiêu dùng tuơng tác với doanh nghiệp. Chẳng hạn, 43% nguời tiêu dùng Việt chia sẻ rằng sản phẩm họ mua là thông qua quảng cáo trực tuyến.

Phần lớn (gần 98%) các doanh nghiệp Việt Nam là DNVVN, khối doanh nghiệp này mang đến 51% tổng số việc làm và đóng góp 40% GDP, theo số liệu từ năm 2014. Internet mở ra cơ hội lớn cho khối DNVVN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay, việc số hóa của các DNVVN còn chậm bởi những thách thức như thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ; xã hội có thói quen dùng tiền mặt; lo lắng về vấn đề bảo mật...

Theo Google, chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động. Không giống những nước khác, Việt Nam là nước có kết nối di động cao, có đến 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, trong khi chỉ có 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Người Việt dùng điện thoại di động cho nhiều hoạt động khác nhau, từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng.

Google bắt tay với Bộ Công thương Việt Nam và hứa hẹn nhiều hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. (Ảnh: Internet).

Google bắt tay với Bộ Công thương Việt Nam và hứa hẹn nhiều hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. (Ảnh: Internet).

Google hứa hẹn hỗ trợ DNVVN Việt Nam phát triển

 Mới đây, Tập đoàn Google và Bộ Công thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0). Đây là một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Google có nhiều ứng dụng kỹ thuật số và các sản phẩm, phần lớn trong số đó hoàn toàn miễn phí và đuợc thiết kế dành cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô để thành công trong thương mại điện tử, thương mại di động như “Kết nối trực tuyến với doanh nghiệp của tôi”, một dịch vụ trực tuyến miễn phí cho phép các doanh nghiệp thiết lập sự hiện diện của mình trong thương mại di động thông qua Google Search và Google Maps; Tiếp cận những khách hàng liên quan trên mọi kích thuớc màn hình với AdWords...

Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong DNNVV với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm ở các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng.

Bộ Công thương rất hoan nghênh sáng kiến Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 của Google, giúp đào tạo nhân lực phát triển kỹ thuật số, nâng cao quy mô kinh tế. Với sự đầu tư nghiêm túc của Google và sự vào cuộc của Bộ Công thương, chương trình sẽ mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó Google cũng công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn.

Vì thế Google còn thực hiện mô hình Digital Bus (xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đến 59 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020), để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Ứng dụng Primer giúp người dùng học kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số, kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng internet (offline), vì vậy người dùng có thể học cách lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung, phân tích, xây dựng thương hiệu... bất cứ khi nào bạn có 5 phút rảnh rỗi mọi lúc,  ở mọi nơi.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer