Hai Phượng – Cần cái nhìn bao dung từ khán giả Việt

Thứ năm, 28/02/2019, 09:18 AM

Năm 2007, phim “Dòng máu anh hùng” trình chiếu gây được tiếng vang lớn, tạo bước đệm cho dòng phim hành động, đồng thời cũng mang đến cho Ngô Thanh Vân danh hiệu “đả nữ” của màn ảnh Việt. 12 năm sau, Ngô Thanh Vân tuyên bố khép lại chặng đường làm “đả nữ” của mình bằng tác phẩm hành động mang tên “Hai Phượng”. Trước sự trông chờ của khán giả, Hai Phượng đem đến cả những phấn khích nhưng đồng thời cũng là chút nuối tiếc cho sự chờ đợi của khán giả lâu nay.

Nhiều điểm cộng sáng giá

Phim kể về nhân vật Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) trong hành trình đi tìm đứa con gái 10 tuổi bị bắt cóc. Từ chuyến đi tìm con của người mẹ đơn thân, biên kịch đã lồng ghép khéo léo vấn nạn bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng khiến xã hội căm phẫn trong thời gian qua. Đây là phim action/thriller/adventure (hành động/giật gân/phiêu lưu) đúng chất, có kịch bản đơn giản nhưng nhịp phim nhanh, lôi cuốn, hấp dẫn. Câu chuyện cũ với kịch bản đơn giản giúp khán giả tập trung nhiều hơn vào những pha hành động – điểm chính của phim.

Nữ chính là giang hồ đã về vườn và làm nghề đòi nợ thuê ở miền Tây để kiếm tiền nuôi cô con gái nhỏ ăn học. Hình ảnh người phụ nữ “đòi nợ thuê” tưởng hiếm có nhưng đặt trong bối cảnh sông nước miền Tây lại khớp đến hoàn hảo.

Cảnh chợ nổi, chợ cóc đến đám cưới miền quê bình dị được đưa vào phim một cách chân thực và đầy nghệ thuật. Những chi tiết nhỏ nhất từ cái nồi đất kho cá, cái nón lá cũ mèm với áo bà ba sờn rách hay thậm chí là chiếc kẹp tóc ba lá cũng được chú tâm tỉ mỉ. 

Khung cảnh nên thơ của miền Tây sông nước trong phim. (Ảnh từ đoàn làm phim)

Khung cảnh nên thơ của miền Tây sông nước trong phim. (Ảnh từ đoàn làm phim)

Vũ khí được sử dụng trong phim cũng thuần Việt không kém. Búa, rìu, cờ lê, dao phay, trái sầu riêng hay cả lục bình trôi sông đều là những đạo cụ rất bình dân, góp phần làm tăng thêm tính địa phương cho bộ phim, các pha cận chiến trong phim trở nên kịch tính và “đời” hơn rất nhiều.

Điểm sáng lớn nhất của phim là những pha hành động nghẹt thở, cảnh quay không thừa, không thiếu, liên tục quay cận cảnh, gia tăng được tính chân thực mà hiếm có phim Việt Nam nào dám làm. Màu phim chủ đạo là tím và xanh, tạo cảm giác vừa u buồn vừa nguy hiểm, kết hợp với âm thanh sống động tiếp sức cho các pha đánh đấm trở nên cao trào. Phân đoạn Hai Phượng chiến đấu với nữ phản diện Thanh Sói (Thanh Hoa) buộc khán giả phải ngừng thở, vỗ tay tán thưởng khi cuộc chiến kết thúc đầy thuyết phục.

Tạo hình cũng như khả năng

Tạo hình cũng như khả năng "đánh đấm" của nhân vật phản diện Thanh Sói gây ấn tượng mạnh cho khán giả không kém nhân vật Hai Phượng (Ảnh từ đoàn làm phim)

Sẽ thật nhiều điều phải kể khi nói về điểm cộng của Hai Phượng, tuy nhiên với nhãn phim “Hành động” mà mình quảng bá, Hai Phượng đã làm tốt, thậm chí vượt sức mong đợi với một bộ phim do Việt Nam sản xuất. Tiếp nối hi vọng cho dòng phim vốn chưa bao giờ là điểm mạnh của điện ảnh nước nhà.

Nhưng vẫn có những hạt sạn đáng tiếc

Điểm trừ lớn nhất của Hai Phượng có lẽ là sự kết hợp thiếu mượt mà giữa tình cảm và hành động. Lời thoại, đại từ xưng hô tuy rất đời nhưng vẫn còn nhiều câu mang tính “giáo dục” khô cứng, nhất là với một đứa bé 10 tuổi như bé Mai (Mai Cát Vi). Thông điệp nỗi sợ hãi của con người chưa chạm đến được trái tim người xem. 

Cốt truyện đơn giản và thiếu “plot twist (nút thắt)” làm phim thiếu chiều sâu về nội dung. Cách sắp xếp tình tiết thiếu chặt chẽ khiến người xem cảm thấy “thời gian” đang ưu ái cho Hai Phượng quá đà. Có những phân đoạn nhân vật gấp rút chạy đua cùng thời gian nhưng cũng có những phân đoạn kéo dài, rời rạc làm loãng mạch phim.

Hai Phượng mang đến hình tượng nữ anh hùng

Hai Phượng mang đến hình tượng nữ anh hùng "siêu nhiên" vì sức mạnh vượt trội của mình. (Ảnh từ đoàn làm phim)

Ngoài ra, Hai Phượng có một sức khỏe phi thường đến “phi lí”. Một người phụ nữ với tình mẫu tử có thể hi sinh tất cả vì con mình nhưng đến mức bị tua vít đâm vào vai vẫn ra điềm nhiên ra đòn không nhượng bộ, nhiều lần chiến đấu với một đám đầu gấu mà vẫn giành thế thượng phong thì “siêu thực” quá. Đây có lẽ là điểm gây “hoang mang” cho khán giả nhất phim.

Dù có nhiều điểm chưa “tròn trịa” nhưng Hai Phượng vẫn cần được ghi nhận bởi những điều phim đã làm được. Bộ phim một lần nữa tạo nên hi vọng cho dòng phim hành động mạo hiểm, là sản phẩm chất lượng đến từ những người làm phim tâm huyết dám lăn xả cùng khó khăn. Đã từ rất lâu kể từ khi Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Charlie Nguyễn lùi bước khỏi phim trường phim hành động, người xem mới được “trầm trồ” bởi những pha đánh đấm của người Việt một lần nữa.

Đặt trong sự so sánh với những phim hành động của các nền điện ảnh lớn khác, chắc chắn không thể nào “ép buộc” Hai Phượng bước lên bàn cân bởi có quá nhiều những khập khiễng và thậm chí là “bất công”. Nền điện ảnh Việt Nam đang cần được khán giả ghi nhận sự tiến bộ thay vì chỉ chăm chăm tìm kiếm sự hoàn hảo rồi thất vọng. Nhất là với dòng phim hành động vốn khó làm, không tìm được diễn viên phù hợp và càng khó có kinh phí để thực hiện.

Hai Phượng sẽ là niềm phấn khởi với những khán giả tìm kiếm những pha hành động từ thời của Lửa Phật hay những góc quay rất đời và những vai diễn biểu tượng đậm chất Việt Nam trong Dòng máu anh hùng. Khắt khe thì Hai Phượng sẽ là chút tiếc nuối đối với những khán giả yêu cầu một câu chuyện anh hùng nhưng phải hài hòa giữa hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, nếu có cái nhìn bao dung hơn, có sự mong mỏi chấp chứa hi vọng với bước tiến của phim hành động Việt Nam thì tin chắc Hai Phượng có thể khiến người xem mỉm cười khích lệ, vỗ tay tán thưởng cho những nỗ lực của mình. Đó cũng là lời động viên để các nhà làm phim mạnh dạn thử thách với miền đất hứa mang tên “hành động Việt”.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer