Ham kính giá rẻ vỉa hè – “tiền mất tật mang”

Thứ ba, 12/06/2018, 15:04 PM

Chủ quan, ham rẻ chỉ với 30.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được những chiếc kính râm, kính chống bụi được làm nhái mẫu mã theo các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan trên các con đường vỉa hè TP.HCM.

Hàng “xịn”, giá “bèo”

Dạo quanh các con đường ở TP.HCM như Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, dọc vỉa hè Quốc lộ 1A, 13, Xa lộ Hà Nội... đến các bến xe hay dưới chân cầu vượt... không khó bắt gặp các điểm bán kính giá “bèo”, không nhãn mác khá nhiều. Hấp dẫn người tiêu dùng chỉ với mức giá từ 30.000 đồng – 100.000 đồng có thể mua được những chiếc kính giá rẻ được đóng gói trong một bao nilon nhưng bám đầy bụi.

Những chiếc kính bám bụi trên đường được người bán lau dọn. Ảnh: Hoàng Uyên

Những chiếc kính bám bụi trên đường được người bán lau dọn. Ảnh: Hoàng Uyên

Ghé một sạp kính trên đường Xa lộ Hà Nội hỏi mua, PV được người bán đưa ra một loại kính “xịn” với giá 80.000 đồng, tuy nhiên khi được trả giá 40.000 đồng, người bán hàng cũng đồng ý.

“Ở đây chủ yếu là sinh viên với công nhân mua, đôi khi là khách vãng lai đi đường. Mức giá rẻ nhất là 30.000 đồng, muốn xịn hơn thì có loại 100.000 đồng. Tùy vào chất lượng gọng cứng hay mềm, mắt kính dày hay mỏng, thường khách hàng hay mua loại từ 30.000 đồng - 60.000 đồng/chiếc". Chủ sạp kính này cho hay.

Tại đây nhiều loại kính với đủ màu sắc, kiểu dáng đa dạng nhái theo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Police, Shiseido… đặc biệt với giá “siêu rẻ”. Hầu hết các loại kính có nguồn gốc từ Trung Quốc và không nhãn mác.

Những chiếc kính giá rẻ có giá từ 30.000 đồng - 100.000 đồng trên vỉa hè TP.HCM. Ảnh: Hoàng Uyên

Những chiếc kính giá rẻ có giá từ 30.000 đồng - 100.000 đồng trên vỉa hè TP.HCM. Ảnh: Hoàng Uyên

Tiền mất tật mang

Để bán được hàng và thu hút khách, nhiều cửa hàng dùng chiêu trò treo bảng giảm giá, khuyến mãi từ 40%-70% xả hàng, đo mắt miễn phí… Tại các tủ kiếng trong cửa hiệu kinh doanh mắt kính, rất khó nhận ra đâu là hàng chất lượng tốt, đâu là hàng nhái, bởi tất cả đều gắn mác thương hiệu nổi tiếng. Nhiều loại gọng kính nhựa tái chế nhìn bằng mắt thường không khác gọng kính xịn, nhưng giá chênh lệch từ 10 đến 15 lần. Những loại tròng kính đảm bảo cho mắt giá phải từ 200.000-400.000 đồng, nhưng tròng nhái chỉ có 15.000 đồng đến 25.000 đồng/cặp.

Kính là mặt hàng liên quan đến sức khỏe nên theo quy định, người bán kính phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật kèm các dụng cụ để đo, khám mắt và cắt kính đúng cho người dùng. Tuy nhiên nhiều người bán hàng vẫn bán tùy tiện và người mua vẫn bình thản sử dụng kính vỉa hè hàng ngày mà không lường trước nguy hại do nó gây ra.  

Những chiếc kính được bày bán trong nhiều khu chợ. Ảnh: Hoàng Uyên

Những chiếc kính được bày bán trong nhiều khu chợ. Ảnh: Hoàng Uyên

Chị Thu Trang, công nhân tại Bình Dương cho biết: “Công nhân như mình thì cũng thường mua kính giá rẻ, mấy loại mắc đâu đủ tiền mua. Mình dùng lâu lâu hay chảy nước mắt, nhức mắt. Nó cũng hay gãy gọng với rớt tròng”.

Không những được công nhân sử dụng nhiều mà sinh viên cũng ưu chuộng các loại kính này. Bạn Bảo Yến (sinh viên trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Trường mình gần chợ Hạnh Thông Tây nên mình cũng hay ra chợ đó mua kính, mình thường mua gọng kính khoảng 70.000 đồng bởi giá nó rẻ hơn trong tiệm, rồi mang ra tiệm người ta cắt tròng cho. Tất cả cũng hết khoảng 200.000 đồng đổ lại”.

Vì giá tiền rẻ, phù hợp với ví tiền của sinh viên nên loại kính này được ưu chuộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về mắt cho biết: “Đeo mắt kính dỏm gây nhiều tác hại khôn lường cho đôi mắt của người dùng như không nhìn rõ sự vật, đeo lâu sẽ bị nhức mắt. Mặt khác khi ra nắng, đồng tử có phản ứng với cường độ ánh sáng, trời nắng to, mắt chúng ta thường nheo lại. Trong khi đó, mắt kính không có khả năng  lọc tia cực tím, khiến một lượng lớn tia này lọt vào, gây tổn thương cho mắt như viêm giác mạc, bỏng võng mạc, tổn thương đáy mắt, thâm chí có thể bị mù”.

Do vậy, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn phù hợp, đừng vì rẻ mà ham các loại kính này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến “tiền mất tật mang”. Khách hàng nên đến các tiệm kính uy tín, chất lượng để cắt kính đảo bảo sức khỏe an toàn.                                      

Hoàng Uyên

Theo NTD

largeer