Hàng hóa ở Mỹ bắt đầu “ngấm đòn” chiến tranh thương mại

Thứ tư, 01/08/2018, 20:06 PM

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump phát động đang khiến nhiều mặt hàng ở Mỹ tăng giá do các nhà sản xuất chuyển chi phí thuế nhập khẩu sang người tiêu dùng.

Coca-Cola cho biết đã tăng giá sản phẩm vào giữa năm nay ở khu vực Bắc Mỹ vì chi phí gia tăng bao gồm cước vận chuyển và chi phí nhựa và nhôm. Ảnh: AP

Coca-Cola cho biết đã tăng giá sản phẩm vào giữa năm nay ở khu vực Bắc Mỹ vì chi phí gia tăng bao gồm cước vận chuyển và chi phí nhựa và nhôm. Ảnh: AP

Bia, nước ngọt tăng giá

Tờ The Wall Street Journal cho biết người tiêu dùng ở Mỹ bắt đầu cảm nhận được sức nóng của chiến tranh thương mại khi hàng loạt mặt hàng từ nước ngọt, bia cho đến ô tô, máy kéo tăng giá do Mỹ áp các mức thuế phạt nhắm vào nhôm thép của nước ngoài cũng như các linh kiện từ Trung Quốc.

Khi chi phí tăng do thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện tăng, các nhà sản xuất ở thường phải đưa ra lựa chọn: hoặc là chấp nhận gánh chi phí và chứng kiến lợi nhuận giảm hoặc chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán hàng hóa.

Trong những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang tăng giá bán sản phẩm do chi phí nhập khẩu nhôm thép và linh kiện tăng. Tuần trước, hãng nước giải khát Coca-Cola thông báo tăng giá bán bán sản phẩm đối với nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ vì chi phí sản xuất tăng gồm cước vận chuyển cũng như chi phí nhựa và nhôm.

“Rõ ràng điều này gây khó khăn cho chúng tôi, cho khách hàng của chúng tôi”, James Quincey, giám đốc điều hành Coca-Cola nói. Ông dự báo các nhà phân phối và các nhà bán lẻ sẽ chuyển chi phí tăng giá cho người tiêu dùng bắt đầu từ quí 3.

Coca-Cola không phải là hãng đồ uống duy nhất chịu ảnh hưởng do thuế nhôm. Hãng bia Boston Beer, chủ thương hiệu bia nổi tiếng Sam Adams ở bang Massachusetts, cũng thông báo sẽ tăng giá sản phẩm thêm 2% trong nửa cuối năm 2018.

Hồi tháng 3, Viện Bia (Beer Institute), một hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất và nhập khẩu bia ở Mỹ, cho biết chi phí nhập khẩu nhôm tăng 10% sẽ khiến các hãng bia ở Mỹ sẽ phải tốn thêm 348 triệu đô la Mỹ do có đến 60% bia ở Mỹ được bán bằng bằng lon và chai nhôm.

Nhiều loại xe cũng tăng giá

 Giá thép (biểu đồ cột màu đỏ) và giá nhôm ở tăng ở Mỹ trong những tháng gần đây. Ảnh: WSJ

Giá thép (biểu đồ cột màu đỏ) và giá nhôm ở tăng ở Mỹ trong những tháng gần đây. Ảnh: WSJ

Từ đầu năm đến nay, giá thép và giá nhôm tại Mỹ đã lần lượt tăng 33% và 11% sau khi ông Trump áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm lần ở mức 25% và 10% của nước ngoài hồi tháng 3. Ngoài ra, mức thuế nhập khẩu 25% đánh vào một loạt linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu tháng 7 cũng làm tăng chi phí sản xuất của các công ty Mỹ sử dụng chúng để lắp ráp sản phẩm.

“Chúng tôi phải tìm cách tiếp thị thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn khi giá bán sản phẩm của chúng tôi tăng lên trong thời gian gần đây”, Michael Happe, giám đốc điều hành công ty Winnebago Industries chuyên sản xuất xe nhà lưu động (xe được thiết kế như ngôi nhà di động) ở bang Iowa, nói. Ông không tiết lộ Winnebago Industries tăng giá bán bao nhiêu phần trăm nhưng cho biết đang tiến hành một số thay đổi bao gồm chỉnh sửa mặt bằng sàn xe để cắt giảm chi phí.

Công ty này kinh doanh khấm khá nhờ doanh số bán xe nhà lưu động tăng vọt trong những năm gần đây khi nhu cầu của những khách hàng trẻ tăng lên. Winnebago Industries cho biết đang chi ít nhất 25 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất. Song Happe cho biết các biện pháp áp thuế vào các mặt hàng nhôm thép, các căng thẳng thương mại ngày càng lan rộng và lạm phát gia tăng đang phủ một bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của Winnebago Industries.

Công ty Polaris Industries ở bang Minnesota cũng đang tăng giá bán mô tô địa hình, xe trượt tuyết, thuyền và một số xe nhà lưu động để bù đắp 15 triệu đô la trong số 40 triệu đô la chi phí liên quan đến thuế nhập khẩu nhôm thép và linh kiện từ Trung Quốc trong năm nay.

Scott Wine, giám đốc điều hành Polaris Industries, cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất mô tô từ một nhà máy ở bang Iowa sang Ba Lan để tránh các mức thuế trả đũa của EU nhằm vào mô tô của Mỹ. Hồi tháng 6, hãng mô tô Harley-Davidson cũng thông báo kế hoạch tương tự.

Lo ngại lợi nhuận giảm

Các nhà sản xuất Mỹ đang hoạt động hết tốc lực. Sản lượng nhà máy ở Mỹ đang tăng 22% so với điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào tháng 6-2009.

Các nhà sản xuất có thể tăng giá bán trong thời điểm này vì nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và xuất khẩu gia tăng. Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của Mỹ trong quí 2 tăng trưởng 4,1%.

Các cổ phiếu ngành sản xuất ở Mỹ tăng giá trong tháng 7 khi nhiều công ty sản xuất lớn gồm 3M Co. và Honeywell International báo cáo doanh thu và lợi nhuận của quí 2 tăng hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, một số lãnh đạo các công ty sản xuất lo ngại thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện tăng có thể khiến họ phải tăng giá bán sản phẩm, dẫn đến nhu cầu của khách hàng giảm và lợi nhuận của họ bị thu hẹp.

Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 2,9% so với cùng kì năm ngoái, trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (đo lường mức chi phí mà các doanh nghiệp trả để mua hàng hóa và dịch vụ) ở Mỹ tăng 3,4% trong tháng 6, mức cao nhất trong nhiều năm, do chi phí vận chuyển và chi phí nhôm thép gia tăng.

Hôm 30-7, hãng sản xuất thiết bị xây dựng, xe cơ giới Caterpillar ở bang Illinois dự báo chi phí thuế sẽ làm tăng chi phí sản xuất của hãng này thêm 200 triệu đô la trong nửa cuối năm nay. Caterpillar sẽ tăng giá sản phẩm để bù đắp phần nào chi phí này. Trong khi đó, hãng sản xuất đồ gia dụng Whirlpool, vốn sử dụng nhiều nhôm, thép trong các máy giặt và máy rửa chén bát, cho biết đã tăng giá bán các sản phẩm trong năm nay.

Tác động thuế nhôm thép sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm nay vì Mỹ chỉ mới áp thuế phạt nhằm vào nhôm thép của Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6.

Một số công ty không thể tăng giá sản phẩm cao hơn vì lo ngại ảnh hưởng đến doanh thu. Hãng xe General Motors đã cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm nay một phần do thuế thép tăng cao.

Nhờ gói cắt giảm thuế doanh nghiệp mà Tổng thống Donald Trump thông qua vào cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ đã báo lãi lớn trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, ông Ed Yardeni, giám đốc chiến lược đầu tư ở công ty Yardeni Research ở New York, cho rằng chiến tranh thương mại càng kéo dài thì lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ khó mà tiếp tục tục duy trì.

Ông nói: “Trump đã mang lại cho các công ty mức biên lợi nhuận kỷ lục (bằng gói cắt giảm thuế) và giờ đây ông có lẽ đã đã lấy lại một phần biên lợi nhuận đó”, Yardeni nói.

Lê Linh

Theo TBKTSG

largeer