Hàng không giá rẻ châu Á thêm sôi động khi Japan Airlines tham gia sân chơi

Thứ hai, 21/05/2018, 14:20 PM

Sân chơi hàng không giá rẻ châu Á sẽ có thêm một “tân binh” khi hãng hàng không Japan Airlines (JAL) bước vào thị trường đầy cạnh tranh này. Và hành khách Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi hãng mới mở đường bay đến Việt Nam.

Japan Airlines và All Nippon Airways luôn là đối thủ cạnh tranh trên các đường bay trong nước và quốc tế. Hai hãng này cũng chia sẻ thị phần lớn của đường hàng không Việt Nam và Hoa Kỳ. (Ảnh: Bloomberg).

Japan Airlines và All Nippon Airways luôn là đối thủ cạnh tranh trên các đường bay trong nước và quốc tế. Hai hãng này cũng chia sẻ thị phần lớn của đường hàng không Việt Nam và Hoa Kỳ. (Ảnh: Bloomberg).

Trang mạng của hãng JAL thông báo ngày 14/5 hãng hàng không giá rẻ mới - hiện chưa được đặt tên - sẽ thành lập vào tháng 7 tới. Dự kiến vào mùa Hè năm 2020, hãng sẽ bắt đầu bay các tuyến bay quốc tế tầm trung và dài từ sân bay quốc tế Narita, Tokyo đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Hãng mới sẽ có hai máy bay thân rộng Boeing 787-8 khi khai trương.

JAL sẽ đầu tư khoảng 10-20 tỷ yen (trên 90-180 triệu USD) và đặt mục tiêu sẽ kiếm được lợi nhuận trong vòng ba năm sau đó.

Hàng không giá rẻ chưa phát triển tại Nhật Bản

Thị trường hàng không giá rẻ phát triển sôi động tại châu Á trong vòng hai thập niên qua. Tuy nhiên, tờ Japan Times nói rằng các hãng giá rẻ chỉ chiếm 10% lưu lượng hành khách tại Nhật Bản bởi hai yếu tố: Hai hãng hàng không truyền thống JAL và ANA thống lĩnh thị trường, và hệ thống xe lửa cao tốc Shinkansen thuận lợi và rẻ tiền. Lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản ngày một tăng đã thay đổi tình trạng này.

“Các hãng hàng không truyền thống với đầy đủ các dịch vụ thường có giá vé cao. Nhật Bản cần có nhiều sân chơi hơn nữa để đón luồng du khách nước ngoài. Họ khác với người Nhật vốn sẵn lòng chi nhiều tiền hơn để bay với các hãng truyền thống” - Will Horton, chuyên viên phân tích cao cấp của Trung tâm Hàng không CAPA, nhận định.

Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) tuyên bố sẽ tham gia phân khúc giá rẻ thông qua hãng con có tên Peach Aviation, tập trung các tuyến bay quốc tế tầm trung.

Jetstar Japan - một liên doanh giữa JAL và hãng hàng không Qantas của Australia - khai thác thị trường hàng không giá rẻ với các tuyến bay ngắn. Hãng hàng không giá rẻ mới của JAL sẽ “tham gia phân khúc thị trường khác hoàn toàn” - theo lời ông Yuji Akasaka, tân Chủ tịch của JAL phát biểu với các nhà báo tại Tokyo. Ông cũng nói rằng hãng sẵn sàng gọi vốn bên ngoài để bơm cho hãng hàng không mới.

Jetstar Japan tuyên bố ủng hộ hãng bay mới. “… Họ sẽ đưa thêm nhiều khách nước ngoài đến Nhật Bản và tăng khách cho các tuyến bay nội địa của chúng tôi” - Jetstar Japan thông báo.

Hàng không giá rẻ sẽ cạnh tranh mạnh trên các tuyến bay Việt Nam - Nhật Bản

Lưu lượng hành khách trên các tuyến bay giữa hai nước đạt trên 1,3 triệu lượt trong năm 2017, tăng 17% so với con số 1,1 triệu lượt của năm 2016. Dự kiến lượng khách trong năm 2018 sẽ tăng gần 20%.

Vietnam Airlines hiện có 10 đường bay từ ba thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng) đến bốn thành phố của Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya). Với hơn 70 chuyến bay trên 10 đường bay giữa hai nước, Vietnam Airlines đang giành thị phần lớn hơn so với JAL và ANA. Tại cuộc họp cổ đông thường niên ngày 10/5, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nói “đây là các tuyến bay tiềm năng nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất của hãng, bên cạnh các đường bay đến Hàn Quốc”.

Jetstar Pacific - vốn có cổ phần của Vietnam Airlines - hiện là hãng hàng không giá rẻ duy nhất tham gia thị trường với các tuyến bay từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Osaka từ tháng 9/2017.

VietJet đang chuẩn bị mở các tuyến bay đến Nhật Bản vào cuối năm nay khi hãng này nhận đủ máy bay mới. Trước đó, vào tháng 7/2017, VietJet và JAL đã ký thỏa thuận bay liên danh (code-share) trên các tuyến bay giữa Hà Nội / TP.HCM và Tokyo và các đường bay nội địa của hai hãng. JAL chấm dứt hợp tác với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines để bắt tay với hãng hàng không giá rẻ sau khi ANA trở thành cổ đông chiến lược với 8,771% cổ phẩn trong Vietnam Airlines

Cuối tháng 3/2018, hãng hàng không giá rẻ Vanilla Air tuyên bố dừng khai thác các chuyến bay từ sân bay Narita (Tokyo) đến TP.HCM quá cảnh tại Đài Bắc dù rằng kết quả kinh doanh rất khả quan. Khi bước vào thị trường Việt Nam vào năm 2016, Vanilla Air từng tuyên bố “sẽ cạnh tranh với VietJet” và đặt niềm tin giành thị phần lớn của thị trường bay giá rẻ tại Việt Nam. Vanilla Air buộc phải sáp nhập với hãng hàng không giá rẻ Peach vì cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường này.

Peach - hãng con của ANA tham gia phân khúc giá rẻ - sẽ sớm khai thác lại đường bay đến TP.HCM của Vanilla Air trước đây vì có sẵn thương quyền năm (fifth freedom) khai thác đường bay này.

Như vậy, các tuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ có sự cạnh tranh mạnh của hai “liên minh” hàng không. Liên minh một gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, ANA và Peach. Liên minh hai gồm: VietJet, JAL và có thể là hãng con mới tuyên bố thành lập của JAL. Hiện tại liên minh một đang giữ vị thế áp đảo.

Máy bay Boeing 747-300 của JAL chuẩn bị cất cánh tại sân bay Haneda, Nhật Bản. JAL và ANA đã nhiều lần khiếu nại với chính phủ Nhật Bản và Việt Nam về việc sử dụng sân bay Haneda hay Narita cho các chuyến bay của hai hãng đến Tân Sơn Nhất. (Ảnh: AFP).

Máy bay Boeing 747-300 của JAL chuẩn bị cất cánh tại sân bay Haneda, Nhật Bản. JAL và ANA đã nhiều lần khiếu nại với chính phủ Nhật Bản và Việt Nam về việc sử dụng sân bay Haneda hay Narita cho các chuyến bay của hai hãng đến Tân Sơn Nhất. (Ảnh: AFP).

Du khách Việt hưởng lợi

Lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản trong năm 2017 vượt quá 300.000 lượt, tăng 32% so với năm 2016 và đứng thứ ba trong mức tăng trưởng thị trường sau Nga và Hàn Quốc có tỷ lệ trên 40%. Một dự báo lạc quan cho rằng số du khách từ Việt Nam đến Nhật có thể chạm cột mốc lịch sử 500.000 trong năm nay.

Giá tour đi Nhật Bản rẻ nhất 4 ngày 3 đêm hiện nay là 18 triệu đồng của hãng lữ hành Tugo. Các hãng lữ hành tại TP.HCM nói giá tour sẽ rẻ hơn nữa khi các hãng giá rẻ mở các đường bay giữa hai nước: VietJet vào cuối năm 2018, Peach dự kiến quay trở lại từ giữa năm 2019 sau khi hoàn tất kế hoạch hợp nhất, và hãng con của JAL dự định từ giữa năm 2020.

“Hành khách bay phân khúc giá rẻ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Sự cạnh tranh trên phân khúc rẻ chắc chắn sẽ khốc liệt bởi các hãng phải tính toán các đường bay mang lại lợi nhuận nhiều nhất và nhanh nhất” - một chuyên gia hàng không đang làm việc cho một hãng trong liên minh một, nhận định.

“Các hãng bay Nhật cũng buộc các đối tác Việt Nam phải cải thiện dịch vụ và chất lượng của mình. Với Vietnam Airlines là nâng cao chất lượng của hãng hàng không bốn sao. Với VietJet và Jetstar là phải giảm hẳn việc hủy chuyến và trễ giờ. Các hãng Nhật Bản đều nổi tiếng thế giới về đúng giờ, đặc biệt là ANA và JAL” - chuyên gia người Việt nhận xét.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer