Hàng nghìn tỷ đồng đã sẵn sàng cho vay mua thóc, gạo

Thứ sáu, 22/02/2019, 10:14 AM

Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân 2019.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hệ thống ngân hàng tiếp tục là “đầu tầu” trong việc cân đối nguồn vốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, với riêng nguồn vốn của Vietcombank cho chương trình này là 7.000 tỷ đồng.

Ngày 18/02/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản số 928/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và các ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung về việc cho vay thu mua thóc, gạo vụ Đông - Xuân năm 2019.

Theo văn bản này, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực này chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua thóc, gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo có nhu cầu vay vốn nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngay sau khi có văn bản của NHNN, ban lãnh đạo ngân hàng đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống triển khai thực hiện yêu cầu này.

Cụ thể, thứ nhất, các chi nhánh tập trung cân đối nguồn vốn; tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp về thu mua thóc, gạo, song các nhu cầu vốn này phải hợp pháp, hợp lý trên cơ sở có hiệu quả.

Thứ hai, các chi nhánh phải làm trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, cũng như đẩy nhanh giải ngân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua thóc, gạo của người dân.

“Nguồn vốn của Vietcombank cân đối cho vay theo chương trình này dự kiến 7.000 tỷ đồng, lãi suất là 6%/năm và tối đa đến 6,5%/năm”, ông Thành nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cho biết, thực tế, việc cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo vẫn đang được ngân hàng chủ động thực hiện, khi vào chính vụ sẽ được tăng cường thêm.

“Kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở một mức độ nhất định do đang trong quá trình tái cơ cấu, song những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế vẫn được chúng tôi cung cấp đầy đủ. Chúng tôi không dành ra một chương trình bao nhiêu tiền để cho vay thua mua thóc, gạo, nhưng với nhu cầu thực tế và có hiệu quả kinh tế, chúng tôi sẵn sàng phục vụ”, vị lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh.

Dẫu vậy, theo vị này, văn bản của NHNN ban hành là rất cần thiết, toàn diện, nhằm mục tiêu lưu ý các ngân hàng quan tâm đến vấn đề này.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại phía Nam cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của NHNN, mặc dù cũng đang triển khai sản phẩm cho vay thu mua thóc, gạo, nhưng ban lãnh đạo ngân hàng đã họp và thống nhất cân đối thêm nguồn vốn dự phòng nhằm kịp thời bổ sung trong trường hợp nhu cầu vốn tăng đột biến.

“Quy mô của ngân hàng chúng tôi không lớn nên nguồn lực không được nhiều. Dù vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của NHNN và Chính phủ trong các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng của mình”, vị tổng giám đốc nói.

Thông tin từ NHNN cũng cho biết, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua thóc, gạo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo điều kiện đáp ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh thóc, gạo của người dân, doanh nghiệp.

Hồng Dung

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

largeer