Hành trình ngàn cây số và gần nửa thế kỷ nổi trôi của một làng nghề

Thứ sáu, 14/09/2018, 13:39 PM

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, đẩy mắt nhìn lại, không ít người dân ở đây vẫn còn đó những nỗi niềm, trăn trở và nghĩ suy với cái nghề đưa họ đi qua những tháng năm hàn vi, cơ cực...

 Người lao động ở đây đều có tuổi đời còn khá trẻ. Công việc trên đem lại một nguồn thu nhập đáng kể. Ảnh: BT

Người lao động ở đây đều có tuổi đời còn khá trẻ. Công việc trên đem lại một nguồn thu nhập đáng kể. Ảnh: BT

Từ đất cố đô về đến tây đô

Ngay từ những năm đầu sau giải phóng, một bộ phận dân làng chài người Huế di cư vào miền Tây Nam bộ lập nghiệp. Vượt qua hành trình hơn 1.200 km, hầu hết những người di cư thuở ấy có tuổi đời chỉ mới đôi mươi, sống với nhau trong một khu vực cố định ở gần cầu sắt Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Nhận thấy miền Tây trù phú có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, tiềm năng đánh bắt thủy sản rất lớn, người dân ở đây quyết định sản xuất lưới đánh cá, một nghề họ học được từ xứ biển miền Trung, để mưu sinh với hy vọng có thể lập nghiệp ở nơi đất khách quê người. Những tháng năm đầu tiên ấy, khu vực ĐBSCL còn khá hoang sơ nhưng lại có sản vật cực kỳ đa dạng, phong phú, thời tiết lại rất biết chiều lòng người, không như cái nóng đổ lửa và cái lạnh cắt da cắt thịt như ở khúc ruột miền Trung…

Được biết, những năm 1977 -1983, người dân ở đây chỉ sản xuất chài lưới theo mùa vụ, tức là ăn theo mùa nước nổi những tháng lập thu (chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 9), thời gian còn lại phải mưu sinh bằng những nghề phụ khác. Tuy vậy, cái nghề đi liền với cái nghiệp nói cũng không ngoa, nhận thấy chỉ với vỏn vẹn 3 tháng mưu sinh với nghề thì không thể nào trụ lại được trong thời gian dài. Các hộ dân ở đây chính thức buôn bán chài lưới suốt cả năm thời điểm ấy khởi đầu vào năm 1983 – tức là giai đoạn cuối của thời kỳ bao cấp.

Ông Phạm Phước Phong, 60 tuổi chủ cửa hàng lưới ở Thơm Rơm, nhớ lại: Thời điểm còn bao cấp, hoạt động sản xuất khó khăn vô cùng, lưới trong nước ta phải gia công vất vả, mất thời gian cũng như chất lượng không tốt. Bên cạnh đó, năng suất sản xuất thấp ảnh hưởng khá lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa. Những năm đầu khởi nghiệp, chúng tôi chỉ buôn bán thời vụ, mãi đến sau này, các hộ dân ở đây vì tình yêu và mong muốn phát triển nghề nên đã bất chấp rủi ro bán lưới suốt năm. Nói như vậy bởi lẽ, thị trường ngày ấy rất khan hiếm, hầu như chúng tôi chỉ bán chạy hàng trong một vài tháng còn lại là ngồi chơi xơi nước. Kể từ lúc chính thức mưu sinh bằng nghề quanh năm, chúng tôi chủ động đi tìm thêm nguồn tiêu thụ ở khắp các tỉnh lân cận. Bước sang thời kỳ đổi mới, những năm 1990 được xem là thời điểm đánh dấu bước ngoặt của nghề sản xuất lưới ở đây, một bộ phận người Thái Lan qua bỏ lưới thô và đặt hàng chúng tôi gia công để xuất khẩu sang bên đó. Chúng tôi linh động kết hợp sử dụng nguồn nguyên vật liệu ấy để gia công, sản xuất lưới dành riêng cho người dân khu vực các tỉnh ĐBSCL. Hơn 10 năm sử dụng lưới Thái để gia công đã giúp chúng tôi hình thành nên thương hiệu “lưới Thơm Rơm”. Lưới Thái dù giá thành có cao hơn đôi chút nhưng thực sự rất chất lượng, nó có độ bền cao và năng suất đánh bắt ổn định.

Lưới Trung Quốc, gia công ở Việt Nam

Khoảng hơn 15 năm trở lại đây, lưới Trung Quốc bắt đầu xuất hiện, với giá thành phải chăng cũng như có nhiều mẫu mã hàng hóa bắt mắt hơn đã dần thay thế lưới của Thái Lan độc chiếm thị trường lưới đánh bắt cá ở các tỉnh Tây Nam bộ. Cũng theo lời kể của ông Phong, với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, đã đi khắp các tỉnh sản xuất lưới ở miền Tây, hiện nay hầu như tất cả các cửa hàng ở các tỉnh ĐBSCL đa phần đều bán lưới Trung Quốc, rất ít cửa hàng bán lưới Thái, trừ các đơn đặt hàng gia công riêng, còn lại nếu bán thành phẩm như ngoài thị trường thì chỉ có loại “lưới Trung Quốc, gia công ở Việt Nam”.

Khi được hỏi về chất lượng của những tấm chài khi được gia công bằng lưới Trung Quốc có đảm bảo về chất lượng hay không? Ông Phong vui vẻ trả lời: “Lưới Trung Quốc nhưng với phương thức gia công thành các tấm từ các bước thủ công và phỏng theo một cách thức riêng của chúng tôi thì nó hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Minh chứng rõ ràng nhất là việc trong nhiều năm qua, sản phẩm của chúng tôi vẫn được khách hàng đón nhận. Nhiều hộ dân ở đây còn giàu lên nhanh chóng, lo cho con cái ăn học.”

Tuy vậy, để sản xuất một tấm chài để đánh bắt cá với số lượng lớn là việc không đơn giản như trí mường tượng của nhiều người. Để được thành phẩm hoàn chỉnh phải qua khá nhiều công đoạn khác nhau. Lưới tốt hay “rởm” thì phải phụ thuộc vào tay nghề gia công lưới thô của người thợ và một phần nào đó là chất liệu của lưới, bên cạnh đó, trọng lượng của chì cũng cực kỳ quan trọng đối với chất lượng của một tấm chài. Mỗi tấm chài như vậy, phải mất 3 ngày công lao động tỉ mỉ mới hoàn thành, giá thành được tính khoảng 500.000 đồng/4kg/tấm.

Bên cạnh đó, để đánh bắt cá người dân ở các tỉnh ĐBSCL nói riêng còn sử dụng lú và lưới nhỏ. Lú là các tấm ô lưới được xếp thành lồng dài, mỗi lú có khoảng gần 18 ô, bởi vậy nó còn có tên là “lò bát quái” của cá, chuyên được dùng để đánh bắt ở sông rộng và biển. Giá thành mỗi tấm lú vào khoảng 350.000 đồng. Còn lưới nhỏ được dùng để đánh bắt cá nhỏ các khu vực nhỏ lẻ như ruộng và hồ nhỏ, khoảng 60.000 - 70.000 đồng/tấm tùy loại. Hiện nay ở Thơm Rơm, có khoảng 23 cơ sở buôn bán và sản xuất hàng chài, lú, lưới nhỏ... trong đó có khoảng 7 nơi sản xuất lú và 15 điểm sản xuất lưới nhỏ.

Không chỉ dừng lại ở miền Tây

Được biết, hiện nay nhiều hộ dân sản xuất và kinh doanh lưới đánh cá ở Thơm Rơm đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra cả miền Trung và miền Bắc. Ông Phạm Phước Tới, 62 tuổi, chủ cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm cho biết: "Vào mùa nước nổi tôi có đến 2 xưởng sản xuất với hàng chục nhân công, mỗi ngày sản xuất được hơn 200 tay lưới để xuất đi các tỉnh lân cận. Thu nhập mỗi nhân công vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng tùy thuộc vào tay nghề từng người. Bình quân, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng hơn 500.000 đồng, ngày cao điểm còn thu tiền triệu".

Trong tâm trạng phấn khích, ông Phạm Phước Phong bày tỏ, hiện nay không chỉ các tỉnh ở ĐBSCL mua lưới ở Thơm Rơm. Chủ cơ sở kinh doanh ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc cũng đặt hàng ở đây để bán cho người dân ở khu vực ngoài đó. Đặc biệt, gần đây Việt kiều sống ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc còn liên hệ tôi để đặt làm một số tấm chài lớn khoảng 8 – 10kg để mang sang bên đó đánh bắt xa bờ. Chính vì lẽ đó, cơ sở sản xuất của tôi làm việc không lúc nào nghỉ ngơi, luôn luôn có nguồn hàng để tăng thêm thu nhập.

Ông Đ.H.S, chủ một cơ sở kinh doanh ở TP.Điện Biên cho biết: "Tôi biết rõ chất lượng của các sản phẩm ở đây nên đặt hàng để chuyển ra bán cho người dân có nhu cầu sử dụng ở miền Bắc. Giá thành ở đây cũng phải chăng đi kèm chất lượng sản phẩm rất tốt. Nhiều ngư dân đánh cá ở các tỉnh thành phía Bắc rất tin dùng. Suốt thời gian dài qua, tôi luôn duy trì công việc làm ăn với người dân sản xuất lưới ở chân cầu sắt Thơm Rơm".

BẢO TRUNG

Theo LĐO

largeer