Hậu kiểm ATTP phát hiện 70% vi phạm là quảng cáo

Chủ nhật, 09/09/2018, 12:43 PM

Kể từ khi thực hiện Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), trong đó quy định thực hiện hậu kiểm an toàn thực phẩm thay vì tiền kiểm, các vi phạm được phát hiện có tới 70% là vi phạm về quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, kể từ thời điểm Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Long ký ban hành Kế hoạch số 315 triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2018 thay vì tiền kiểm (tháng 4-2018) đến nay, Cục ATTP đã thành lập 5 đoàn thanh tra hậu kiểm.

Kết quả bước đầu cho thấy, những sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực quảng cáo tới 60%-70%, chủ yếu vi phạm như: Chưa có thẩm định nội dung; quảng cáo không đúng nội dung thẩm định; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, kể cả ung thư.

“Đây là hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm. Chỉ tính riêng từ 1-1-2018 đến nay, chúng tôi có 7 cán bộ thanh tra của Bộ tiến hành hậu kiểm và phạt hơn 4 tỷ đồng tiền vi phạm. Đó là chưa kể những vụ xử lý vi phạm tại 63 tỉnh, TP”, ông Phong cho biết.

Với các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc các công ty vi phạm phải tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Qua hậu kiểm đã phát hiện nhiều vi phạm về quảng cáo (ảnh minh hoạ)

Qua hậu kiểm đã phát hiện nhiều vi phạm về quảng cáo (ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, trong quá trình hậu kiểm, khó nhất là kiểm tra các sản phẩm kinh doanh qua mạng điện tử, facebook vì có nhiều sản phẩm chưa công bố, chưa được phép lưu hành, quảng cáo sai quy định, quảng cáo quá mức… Nhiều trường hợp khi chúng tôi mời doanh nghiệp lên chỉ ra sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định nhưng có doanh nghiệp khi lập biên bản, đã khẳng định website vi phạm quảng cáo đó không phải trang web của họ, không chịu trách nhiệm về trang web nên cán bộ y tế rất khó xử lý.

Cục ATTP đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình-Bộ Thông tin và Truyền thông để khi nào gặp phải trường hợp này, đề nghị Cục truy xem ai đứng tên miền. Tuy nhiên, có những thông tin do cá nhân đứng ra đăng ký tên miền, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Có doanh nghiệp thu giấy phép lưu hành vẫn sản xuất nên chúng tôi phải xử lý theo hướng tình tiết tăng nặng, ông Phong nêu rõ.

Để tiếp tục triển khai công tác kiểm tra giám sát ATTP, Cục ATTP đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Quản lý ATTP các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm-ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine.

Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14-4-2011 do có tác dụng không mong muốn. Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch.

“Khi làm thủ tục công bố kiểm nghiệm không có chất này nhưng thực tế sản xuất, các cơ sở này lại cho chất cấm vào. Chúng tôi tiến hành thu hồi và xử lý vi phạm nặng, có cơ sở phạt tới 500 triệu đồng. Trước tỷ lệ chất cấm nhiều trong thực phẩm giảo béo, chúng tôi cảnh báo cả với nhập khẩu và sản xuất trong nước, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm nghiệm, lấy mẫu, kiểm tra các chỉ tiêu. Đến thời kỳ nào kiểm tra thấy giảm hết đi lại dỡ bỏ cảnh báo”, ông Phong nói.

Vân Hà

Theo Phapluatxahoi

largeer