Hé lộ bí mật trong thế giới chuyển giới nam

Thứ sáu, 29/06/2018, 19:06 PM

Mai Như Thiên Ân là nhân vật trưởng nhóm chuyển giới nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Chuyển giới nam ít gây chú ý, không ồn ào trên báo như chuyển giới nữ. Nhưng họ hiện diện khá đông, ở đâu đó thầm lặng và cũng có rất nhiều nỗi niềm đằng sau từng cuộc đời số phận.

Mai Như Thiên Ân. Ảnh: NVCC.

Mai Như Thiên Ân. Ảnh: NVCC.

Bị gia đình, y tế từ chối, xã hội kỳ thị. Từ câu chuyện của chính mình, Thiên Ân đã chia sẻ với cộng đồng thông qua Tổ chức FTM Vietnam Organization.

Bị từ chối, kì thị… do định kiến cá nhân

Chuyển giới nam có thể công khai giới tính thật nhưng lại xuất hiện trầm lặng, vì sao vậy?

- Đây là một vấn đề nan giải mà cộng đồng và tổ chức của mình cũng có nhìn nhận thấy. Khó khăn tìm hiểu về mình, sự kết nối xung quanh, nhất là ở những tỉnh thành nhỏ... Mình cũng cố gắng kết nối với những tổ chức khác để cùng nâng cao sự hiện diện cho cộng đồng chuyển giới nam ở các lĩnh vực, nhất là nghiên cứu và truyền thông, để mọi người có cái nhìn cân bằng hơn ở cộng đồng người chuyển giới.

Bạn đối diện với những áp lực khi là người chuyển giới nam như thế nào?

- Là người chuyển giới tại Việt Nam, ngoài việc đối mặt với áp lực xã hội vì kì thị, định kiến, phân biệt đối xử, cộng đồng cũng đối mặt với việc không được hưởng những quyền cơ bản của con người, dù luật thì dành cho mọi công dân. Ví dụ, người chuyển giới luôn gặp khó khăn trong việc giấy tờ hành chính, từ chối không cho làm giấy tờ, từ chối sử dụng dịch vụ công, thậm chí về mặt y tế, cấp cứu cũng bị từ chối chỉ vì lí do là người chuyển giới, hoặc ngoại hình không khớp giấy tờ. Chưa kể đến việc tỉ lệ cao cộng đồng chuyển giới bị bắt nạt tại trường học và bị từ chối việc làm, dẫn đến không có việc làm để ổn định cuộc sống.

Thiên Ân và nhóm chuyển giới nam. Yêu cầu phải phẫu thuật mới công nhận chuyển giới, nhất là với các bạn chuyển giới nam thì có dễ dàng để thực hiện không?

- Cộng đồng người chuyển giới mỗi người sẽ có một nhu cầu về y tế khác nhau, thậm chí có người không cần đến can thiệp y tế hoặc không đủ điều kiện để can thiệp y tế (điều kiện sức khỏe, kinh tế…). Tuy nhiên, về tình hình chung, các bạn trong cộng đồng chuyển giới nam vẫn có nhu cầu dùng hormone nhiều nhất, kế đến là nhu cầu phẫu thuật ngực, nhu cầu phẫu thuật phần dưới gần như là ít nhất vì có quá nhiều rủi ro và chi phí rất lớn.

Mình mong luật sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu can thiệp y tế để được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ cho đa số các bạn trong cộng đồng chuyển giới.

Bức tường ngăn cách từ chính gia đình

Thời điểm hiện tại, bạn còn gặp rào cản khó khăn gì trong cuộc sống “thực” của mình? 

- Mình may mắn là luôn có bạn bè xung quanh ủng hộ bản dạng giới là người chuyển giới của mình, tuy nhiên với gia đình thì chưa được như vậy. Mình và gia đình đã xa cách nhau gần 5 năm kể từ ngày mình bị phát hiện là người chuyển giới.

Mình cũng đã từng gặp rất nhiều khó khăn về việc làm vì đa số họ đều từ chối sau khi nhìn giấy tờ của mình. Nhưng, mình đã cố gắng tiếp tục việc học và cũng dần có nhiều cơ hội việc làm ổn định hơn.

Về vấn đề y tế, mình cũng bị… “kẹt” như bao bạn chuyển giới khác, khi bọn mình chưa có được một cơ sở y tế chính thống, an toàn để hỗ trợ dịch vụ cho người chuyển giới.

Đa số bọn mình đều phải tìm kiếm những nguồn thuốc từ nước ngoài và các bạn điều dưỡng giấu tên để có thể dùng thuốc một cách an toàn. Phẫu thuật khó khăn hơn rất nhiều, với những bạn không có điều kiện sang nước ngoài và phẫu thuật “chui” tại Việt Nam như mình thì luôn phải thấp thỏm lo lắng, vì nếu có chuyện gì, bọn mình cũng không thể kiện hay đòi lại quyền lợi. 

5 năm xa gia đình vì không được thừa nhận, giờ đây bạn đã có chút nào nguôi ngoai?

- Người ta thường nghĩ mỗi năm trôi qua đi, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng bớt, mình sẽ quên đi bớt và sẽ vơi bớt nỗi buồn. Nhưng mình không cảm thấy như vậy, vì nỗi buồn và sự tổn thương vẫn luôn còn rõ như mọi chuyện mới xảy ra. Nhất là mỗi khi tết hay những ngày lễ đến, khi mọi người có nơi để quay về, quây quần ấm cúng cùng gia đình, còn mình lẻ loi một mình, cảm giác lúc đó rất cô đơn.

Mỗi lần kể lại chuyện gia đình, dù đã 4 năm trôi qua, mình vẫn thường hay bị xúc động mạnh, vì thế mình cũng rất ít khi nhắc đến chuyện gia đình, một vấn đề vô cùng nhạy cảm với bản thân.

Song mình cũng hay tự động viên rằng mình tuy cô đơn, nhưng không cô độc, không một mình, mọi người cộng đồng vẫn còn bên cạnh, còn bạn bè động viên, còn chính việc hoạt động xã hội này giúp đỡ mọi người, để được nhìn thấy nụ cười của mọi người và chính mình, đó là động lực giúp mình sống từng ngày.

Đ.B 

Theo laodong.vn

largeer