Hé lộ vụ bán đất công thấp hơn giá thị trường 5 lần

Thứ ba, 07/08/2018, 09:52 AM

Tại buổi đối thoại giữa ông Nam với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều sự thật dần dần hé lộ.

Dự án căn hộ cao cấp tại số 16 Âu Cơ (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã đi vào giai đoạn hoàn thiện để bàn giao cho cư dân. Thế nhưng mới đây, các cơ quan chức năng đã khui ra hàng loạt sai phạm trong việc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Điện Lực (viết tắt là PIST, có trụ sở tại Q.1, TP.HCM) chuyển nhượng khu đất dự án hơn 1ha này.

Từ nỗi oan khiên 

Ông Nguyễn Thành Nam (50 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, dự án chung cư cao cấp trên nằm trong phần đất có diện tích hơn 14.000m2, trước đây thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 2, thuộc P.14, Q.Tân Bình. Trong đó, có 2.950m2 đất vốn của cụ nội ông Nam là ông Nguyễn Văn Hóa cùng bà Phạm Thị Sớm mua và đứng bộ từ năm 1901.

38512903_435517160267354_2303021451923423232_n_6951697

 “Gia đình tôi là cơ sở mật nuôi giấu cán bộ, đóng góp vật chất để nuôi quân. Cha tôi là Nguyễn Văn Tiên trực tiếp tham gia Ban Bảo vệ an ninh khu Sài Gòn - Gia Định (thường gọi là lực lượng an ninh T4). Vì vậy, vào năm 1970, chính quyền chế độ cũ đã cưỡng đoạt đất của gia đình để xây dựng trạm biến điện Bà Quẹo, nhằm mục đích cản trở việc chúng tôi phục vụ cách mạng” - ông Nam kể.

Trên thực tế, Điện lực Sài Gòn (cũ) chỉ sử dụng một phần diện tích hơn 100m2 làm phòng điều hành, phần còn lại để trống. Khi đó, gia đình ông Nam đã khiếu nại, xin được bồi thường. Năm 1971, chính quyền cũ lập bản đồ để bồi thường, nhưng chưa thực hiện thì miền Nam giải phóng. Sau 1975, toàn bộ khu đất trên do Công ty Điện lực II tiếp quản, sử dụng, tiếp đến là Công ty Truyền tải điện 4. Tuy nhiên, theo ông Nam, những đơn vị này không sử dụng đất làm trạm điện mà bỏ hoang hoặc cho thuê sai mục đích nhằm thu lợi, khiến gia đình ông vô cùng xót xa.

Trải qua thời gian dài khiếu nại, đến năm 1997, Sở Địa chính TP.HCM ban hành Quyết định số 170/QĐ- ĐC-TTr yêu cầu đơn vị điện lực có trách nhiệm đền bù cho gia đình ông Nam, nhưng Công ty Truyền tải điện 4 không đồng ý và khiếu nại lên UBND TP.HCM. Năm 1999, UBND TP.HCM có văn bản bác đơn đòi bồi thường của ông Nam nhưng yêu cầu phía điện lực phải hỗ trợ và đến nay, điện lực vẫn chưa thực hiện. Hiện ông Nam đang tiếp tục khiếu kiện đòi công lý cho gia đình mình. Đến ngày 27/11/2017, tại buổi đối thoại giữa ông Nam với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều sự thật dần dần hé lộ.

Mặc sức chuyển nhượng 

Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 4497/QĐ-UB cho Công ty cổ phần Xây lắp điện (tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện, công ty con của Công ty Điện lực II) thuê hơn 14.000m2 đất tại số 16 Âu Cơ để tiếp tục sử dụng làm văn phòng, xưởng sản xuất, nhà kho, thời hạn đến hết năm 2020.

Vào năm 2010, UBND TP.HCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại mặt bằng 16 Âu Cơ là 224 tỷ đồng. Năm 2012, UBND TP.HCM tiếp tục có quyết định giao hết khu đất trên cho Công ty PIST (được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập năm 2007 với cổ đông sáng lập là Công ty Điện lực II) để thực hiện dự án xây dựng chung cư, cao ốc văn phòng.

Năm 2013, PIST chuyển nhượng lại 3.304,1m2 phần đất được UBND TP.HCM giao nói trên cho Tổng công ty Điện lực Miền Nam (tiền thân chính là Công ty Điện lực II). Năm 2015, PIST tiếp tục chuyển nhượng 10.707m2 còn lại của khu đất 16 Âu Cơ cho một tập đoàn bất động sản để xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại. Đáng nói, PIST chuyển nhượng gần 11.000m2 đất “đắc địa” cho chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp chỉ với giá 217 tỷ đồng, tức chỉ hơn 20 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, theo các chuyên gia bất động sản, vào năm 2015, giá thị trường đất đai của khu vực mặt tiền 16 Âu Cơ phải tròm trèm 100 triệu đồng/m2, tức tổng giá trị gần 11.000m2 đã bán phải trên 1.000 tỷ đồng. Như vậy, phải chăng Nhà nước đã bị thất thoát một số tiền lớn trong phi vụ này?

Mới đây, ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan đến khiếu nại của ông Nguyễn Thành Nam tại khu đất 16 Âu Cơ. Theo đó, phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM kiểm tra cơ sở pháp lý của việc giao đất cho Công ty PIST thực hiện dự án nhà ở không qua đấu giá theo quy định tại điều 58 Luật Đất đai năm 2003.

Theo văn bản này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng xác định, việc PIST chuyển nhượng quyền sử dụng đất được giao cho Tổng công ty Điện lực Miền Nam và tập đoàn bất động sản là sai phạm và yêu cầu các bộ, ngành liên quan đưa ra biện pháp xử lý sai phạm theo quy định pháp luật. 

Theo nguồn tin của chúng tôi, trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến khẳng định sai phạm của PIST. Cụ thể, việc PIST không đầu tư xây dựng, chưa có giấy phép xây dựng, chưa xây dựng hạ tầng… trên khu đất hơn 14.000m2 được UBND TP.HCM giao tại số 16 Âu Cơ mà đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án để thu khoản chênh lệch rất lớn là trái với quy định pháp luật. 

Quốc Ngọc

phunuonline

largeer