Hệ lụy của xu hướng “một mình một chợ”

Chủ nhật, 17/06/2018, 11:51 AM

Đoạn clip lan truyền trên Facebook những ngày qua với nội dung về cuộc “đôi co” giữa tài xế GrabCar và nữ hành khách khiến người xem không khỏi kinh ngạc.

Kinh ngạc vì nội dung clip cho thấy những ngôn từ mà tài xế GrabCar “dành” cho hành khách: “Lên xe mày chào tao, tao sẽ chào mày ngay. Mày ngu lắm…”.

Kinh ngạc vì hành khách bị cho là “mày ngu lắm, mày mất lịch sự…”. Nhưng không lẽ tài xế kia “khôn” với một lí lẽ ngược đời là bắt hành khách phải chào mình trước?

Người viết bài này đã nhiều lần đi GrabCar và cả GrabBike nhưng chưa bao giờ được nghe nói đến qui định hành khách phải chào tài xế trước hay hành khách phải chào tài xế. Chuyện chào nhau là phép lịch sự trong ứng xử xã hội nói chung mà mỗi người có văn hóa và sống văn minh nên thể hiện. Chỉ có gã tài xế thiếu lịch sự và thiếu cả văn hóa kia mới mở miệng những lời khó nghe với hành khách nữ bất chấp cả lòng tự trọng như thế.

Sau khi Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á nói chung và đặc biệt tại Việt Nam nói riêng, “căn bệnh” đã phát tác ra chính là sự giở dói của không ít tài xế: Nào là không chịu nhận khách; nào là hủy cuốc vô tội vạ; nào là thái độ ứng xử không đúng mực, thậm chí như trường hợp tài xế GrabCar trong clip kia còn là sự thiếu văn hóa đến mức không thể chấp nhận được.

Đó là những loại tài xế mà Grab phải điều tra làm rõ để loại trừ ngay khỏi đội ngũ đối tác của mình. Đó là những “con sâu làm rầu nồi canh” trong cộng đồng những người chạy Grab kiếm sống chân chính. Những “con sâu” như thế làm xấu hình ảnh và khiến các tài xế Grab kiếm sống chân chính cảm thấy xấu hổ thay.

Phía cung cấp dịch vụ mà có thái độ kẻ cả, coi khách hàng là “ngu dốt” và xem thường, thì chẳng bao giờ cung cấp được những dịch vụ chu đáo chứ đừng nói là cần có lối hành xử lịch sự và nhân bản đối với hành khách của mình.

Những “căn bệnh” của những ông lớn sau khi thâu tóm bên khác như trường hợp Grab tại Việt Nam đang mỗi ngày một lộ ra nhiều hơn dù phía doanh nghiệp này gần đây đưa ra nhiều chương trình, chính sách chấn chỉnh nhưng dường như vẫn chưa đủ. Đó cũng là hệ lụy của một thị trường có khuynh hướng “một mình một chợ” về dịch vụ đặt xe qua internet như tại Việt Nam hiện nay khi các đối thủ của Grab còn chưa đủ mạnh để tạo sự đối trọng. 

THẾ LÂM

Theo LĐO

largeer