Hikikomori vấn đề xã hội mới của Nhật Bản

Thứ ba, 02/04/2019, 08:52 AM

Thăm dò của chính phủ Nhật Bản vừa công bố cho thấy, khoảng 613.000 người Nhật Bản từ 40-64 tuổi bị xếp vào loại sống ẩn dật, tự giấu mình trong nhà và không làm việc, hay còn được biết trong tiếng Nhật là “hikikomori”.

 Bộ Sức khỏe, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản xác định hikikomori là những người sống một mình trong nhà ít nhất 6 tháng liền, không đi học hay đi làm và không tiếp xúc với người khác ngoài gia đình mình. Số lượng hikikomori này trong nhóm tuổi từ 40-64 cao hơn trong nhóm tuổi từ 15-39 (với 541.000 người). Tổng số người đang sống ẩn dật ở Nhật Bản được cho lên đến hơn 1 triệu người. Ông Takumi Nemoto, Bộ trưởng Bộ Sức khỏe, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, cho biết: “Tình trạng hikikomori ở người trưởng thành là một vấn đề xã hội mới, cần được giải quyết một cách thích hợp thông qua việc tiến hành các nghiên cứu và phân tích. Trong đó, 76,6% người hikikomori là đàn ông”. Theo thăm dò tháng 12-2018, tại 5.000 hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong nhóm tuổi trên, hầu hết, cả nam và nữ, đã bắt đầu rút khỏi xã hội sau khi nghỉ hưu. Nghiên cứu cũng cho thấy 46,7% người sống ẩn dật đã sống theo cách này ít nhất 7 năm, cho thấy xu hướng những người cao tuổi sẽ cắt đứt với xã hội và sống khép kín trong nhà mình một thời gian dài hơn.

Nhiều người Nhật Bản mắc chứng bệnh tự giấu mình trong nhà, không tiếp xúc với người ngoài.

Nhiều người Nhật Bản mắc chứng bệnh tự giấu mình trong nhà, không tiếp xúc với người ngoài.

21,3% người được hỏi cho biết họ đã không liên lạc với người xung quanh từ 3-5 năm. 36,2% nói rằng lý do khiến họ trở thành hikikomori là về hưu. 1/3 người được hỏi có độ tuổi từ 40-44, một thế hệ được cho là đã sống trong “kỷ nguyên băng giá của việc làm” khi nhiều người tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm, và trở thành hikikomori khi vào tuổi 20-24.

Theo The Asahi Shimbun, cụm từ “hikikomori” vốn khởi nguồn từ một cuốn sách của nhà tâm lý học người Nhật Tamaki Saito viết năm 1998. Ngày nay, những tiêu chuẩn để coi một người là một hikikomori bao gồm sự tách biệt thân thể, tránh né xã hội và khủng hoảng tâm lý kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn. Takahiro Kato, tiến sĩ tại Trường đại học Kyushu hiện đang nghiên cứu và chữa trị những hikikomori, cho rằng có vài lý do khiến cho xã hội Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng này. Những chuẩn mực xã hội cứng nhắc, kỳ vọng cao từ phía phụ huynh, và một nền văn hóa xoay quanh sự hổ thẹn và ô nhục đều là những nguyên nhân khiến cho Nhật Bản thành một nơi phát triển lý tưởng cho những suy nghĩ xấu về bản thân và cảm giác cần phải cúi đầu trong xã hội.

Một hikikomori 29 tuổi mang tên Tomoki đã chia sẻ rằng sau khi rời bỏ công việc của mình vào năm 2015, anh đã cố gắng để quay trở lại làm việc và thường xuyên đến trung tâm tuyển dụng việc làm. Anh cũng thường tham dự một nhóm tôn giáo, nhưng người lãnh đạo của nhóm này bắt đầu công khai chỉ trích thái độ và sự thiếu khả năng của anh. Khi anh dừng tham gia các hoạt động của hội nhóm, người ấy vẫn tiếp tục liên tục gọi điện cho anh nhiều lần. Cuối cùng, những áp lực của công việc cộng với những áp lực gia đình riêng đã khiến anh rút khỏi xã hội hoàn toàn. Anh đổ tội cho bản thân và không muốn tiếp xúc với ai hay ra ngoài nữa.

Đáng ngại là trong một nghiên cứu thực hiện năm 2015, TS. Kato và các đồng nghiệp ở Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ phát hiện ra nhiều trường hợp phù hợp với những tiêu chí của một hikikomori ở cả 4 quốc gia. Cho dù thường được nghĩ là một vấn đề riêng của Nhật Bản, những trường hợp tương tự ngày càng xảy ra nhiều trên thế giới.

Vũ Khoa

Theo saigondautu.com.vn

largeer