Học đối thoại khi va chạm giao thông: Giải mâu thuẫn “từ trứng nước”

Thứ hai, 16/04/2018, 05:38 AM

Từ va chạm nhỏ trên đường, tài xế một ôtô đã đâm và kéo lê tài xế một xe máy. Tại sao họ lại ứng xử một cách tồi tệ như vậy? PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tâm lý Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam).

Hàng loạt vụ đánh đập thô bạo, chém giết xảy ra, trong đó nhiều vụ chỉ bắt đầu từ những va chạm, xô xát nhỏ. Mới đây nhất, chỉ từ một vụ va chạm nhỏ trên đường dẫn tới việc người lái ôtô đâm vào xe máy và kéo lê người bị nạn tại ngã 6 Ô Chợ Dừa, Hà Nội khiến người này bị thương nghiêm trọng. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Ứng xử tiêu cực sau khi va chạm giao thông có thể dẫn đến hậu quả nghiệm trọng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Ứng xử tiêu cực sau khi va chạm giao thông có thể dẫn đến hậu quả nghiệm trọng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

- Tôi đã đọc báo, theo dõi video clip quay lại cảnh tượng người lái xe ôtô lao vào xe máy và cảm thấy đó là một hành động bạo lực không thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay, một hành động vô nhân tính. Thật sự, đây không phải là vụ việc mới bởi ở xã hội nào, thời kỳ nào cũng thường xảy ra những mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân hoặc nhóm cá nhân và có kèm bạo lực.

Tuy nhiên, qua quan sát tôi thấy gần đây, những vụ việc như thế này diễn ra với tần suất nhiều hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt khi tham gia giao thông, người ta sẵn sàng lao vào đánh nhau, thậm chí đoạt mạng nhau, bất chấp đối phương là người già hay phụ nữ, trẻ em – đối tượng yếu thế; thậm chí bất chấp cả việc đối phương tỏ ý muốn đối thoại thay vì đối đầu.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới những hành vi bạo lực nguy hiểm như trên?

- Như tôi đã nói ở trên, đây là vấn đề không mới, bàn về nguyên nhân thì chúng ta cũng đã bàn nhiều rồi. Xã hội hiện đại đang tồn tại quá nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, cứ có cơ hội là một bộ phận không nhỏ viện cớ giải tỏa các bức xúc, dồn nén đó bằng những hành vi phản cảm, mất nhân tính. Đôi lúc hậu quả của những hành vi này đã lên tới mức đỉnh điểm, phải trả giá bằng mạng sống của người khác hay của chính họ.

Có thể thấy rằng, những hiện tượng bức xúc, bột phát xảy ra nơi công cộng giữa những con người trong xã hội văn minh, kết thúc bằng các hành vi bạo lực, có đổ máu hay gây tổn thương cho đối phương, là những hành động không thể chấp nhận được. Những hiện tượng này là biểu hiện rõ ràng của sự “xuống cấp văn hóa” của một bộ phận. Tuy nhiên, bản chất của nó không nằm ở vấn đề học vấn mà là sự xuống cấp, băng hoại về mặt nhận thức đạo đức xã hội.

Tôi không biết và cũng không thể lý giải chính xác nguyên nhân của hành động người lái xe bán tải đâm và kéo lê người lái xe máy là gì? Nhưng có một thực tế là hiện nay rất nhiều người trong chúng ta đang thiếu kỹ năng sống, không có cách ứng xử phù hợp khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn bột phát trong xã hội. Thực tế này, đáng lo ngại là lại đúng với nhiều lứa tuổi, không riêng gì ở lứa tuổi thanh thiếu niên chưa có đủ nhận thức.

Khoảng 22 giờ 30 tối ngày 11.4, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội). Theo đó, chiếc ôtô bán tải mang BKS 29C-81727 khi lưu thông đến ngã 6 Ô Chợ Dừa thì đã tông trúng xe máy do 1 người đàn ông điều khiển. Điều đáng nói, sau khi gây tai nạn tài xế xe ôtô không chịu dừng lại mà tiếp tục phóng đi, người đàn ông cùng chiếc xe máy do kẹt lại nên đã bị chiếc ôtô kéo lê hàng trăm mét.

Vậy theo ông, chúng ta có thể làm gì để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi bạo lực này, hay nói cách khác là “nâng cấp văn hóa”, “bồi dưỡng kỹ năng sống” cho một bộ phận trong xã hội?

Empty

Chúng ta thường mạnh về khả năng phòng thủ nhưng lại yếu về khả năng kiềm chế. Vì thế, khi xảy ra xung đột, tranh chấp ai cũng muốn hơn thua, đòi quyền lợi cá nhân cho bằng được. Điều này dẫn tới hành động kiểu “hai con dê không chịu nhường nhau khi qua cầu”. Kết quả là cả hai cùng chịu thiệt”.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Hoà Bình

- Làm thế nào để loại trừ hẳn các hành vi xấu nêu trên là điều rất khó. Chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế và kiểm soát cái xấu chứ không thể xoá bỏ nó. Về cá nhân tôi cho rằng, hành vi nào cũng bắt đầu từ nhận thức của con người. Con người có hành vi xấu ắt hẳn là có những nhận thức chưa chuẩn. Do vậy, muốn hạn chế bạo lực, mỗi người cần trang bị những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống khi có mâu thuẫn…

Thay vì để nó gia tăng thành bạo lực, chúng ta nên học cách đối thoại ngay từ khi mâu thuẫn đang còn trong “trứng nước”. Thêm vào đó, những người chứng kiến, cùng sống trong cộng đồng cần phải có thái độ phù hợp, tránh việc bàng quan, kích động, đồng loã, cổ vũ cho cái ác, vô tình tạo điều kiện để cái ác sinh sôi, nảy nở…

Xin cảm ơn ông!

Thùy Anh (thực hiện)

Quan trọng là giáo dục đạo đức, nhân cách

“Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống, nhưng quan trọng hơn cả chính là giáo dục đạo đức, lối sống cho từng cá nhân. Đã là con người thì cần phải mang trong mình những tư tưởng tích cực, nhân văn. Bởi vì kỹ năng không thay thế được động cơ, tư tưởng thường trực của con người. Một người có nhiều kỹ năng cũng chưa hẳn đã ứng xử một cách nhân văn tích cực trong trường hợp mâu thuẫn, hay có tranh chấp như vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra ở ngã 6 Ô Chợ Dừa”.

TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

Cái ác trỗi dậy do áp lực sống bị dồn nén

“Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều những mâu thuẫn, những bất đồng vì vậy để tồn tại con người ta thường phải kìm nén. Hành vi đâm người lái xe máy rồi kéo lê trăm mét có thể là sự tích cóp, cộng dồn những áp lực, phẫn uất của con người lâu ngày bị dồn nén chưa có cơ hội bột phát. Chính vì vậy khi có cơ hội, con người ta thường không thể kiềm chế. Thực tế, xã hội hiện đại có quá nhiều hành vi của con người chưa được điều chỉnh kịp thời với bối cảnh xã hội. Vì vậy chỉ cần một xô xát nhỏ không được kìm chế là có thể gây nên tình trạng cãi nhau, đánh nhau… thậm chí giết nhau”.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng

Cần làm rõ yếu tố lỗi để có căn cứ xử lý

Tôi cho rằng cơ quan điều tra cần phải làm rõ được ý chí chủ quan, động cơ, mục đích của tài xế là nhằm tước đoạt mạng sống hoặc xâm phạm đến sức khỏe của người bị hại. Sự phân biệt cơ bản nhất của nhóm tội vi phạm quy định về giao thông với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe chính là yếu tố lỗi. Trong khi lỗi của nhóm tội liên quan đến giao thông là vô ý thì lỗi trong nhóm tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe buộc phải là cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải làm rõ yếu tố lỗi nói trên để có căn cứ xử lý, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan, sai người vi phạm.

LS Trần Tuấn Anh (Đoàn LS Hà Nội)

Theo Dân Việt

largeer