Học sinh bị tát 231 cái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đau không?

Thứ sáu, 30/11/2018, 11:08 AM

231 cái tát dành cho một học sinh, đó cũng là những cái tát khiến người ta suy nghĩ về sự bất lực của giáo dục, cụ thể ở đây là vụ việc xảy ra tại Quảng Bình. Nhưng vì sao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn im lặng?

Học sinh bị tát đến 231 cái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đau không? Tôi nghĩ rằng khó có thể có câu trả lời là “không” với bất cứ một lý do nào. Bởi dù có là Bộ trưởng, quyền uy đến nhường nào thì trước hết ông cũng là một nhà giáo, một người thầy đúng nghĩa, một người cha!

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, có cha mẹ nào không xót lòng khi con mình bị bạo lực cả thể xác và tinh thần như học sinh bị các bạn cùng lớp tát 231 cái?

Vì sao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại im lặng?

Sự việc xảy ra đã nhiều ngày rồi, sự phẫn nộ của dư luận cũng đã lên đến đỉnh điểm, công lý đã được thực thi qua việc khởi tố vụ án để làm rõ nguồn cơn và xử lý nghiêm với người chỉ đạo học sinh của mình tát bạn 231 cái tát oan nghiệt.

Nhưng về phía Bộ chủ quản, chỉ có Thứ trưởng lên tiếng và một văn bản chỉ đạo khẩn yêu cầu giải quyết vụ việc, báo cáo về Bộ từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục được ký thay bởi một vị Cục phó.

Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dù có cơ chế ủy quyền trong phân công nhiệm vụ và giả sử văn bản chỉ đạo kia có chữ ký trực tiếp của Bộ trưởng đi chăng nữa thì nó cũng không thể có sức nặng bằng tiếng nói kịp thời của Bộ trưởng.

Sự im lặng trong một số trường hợp sẽ làm nguội lạnh niềm tin, làm giảm đi uy quyền của người đứng đầu.

Học sinh bị tát 231 cái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đau không mà sao ông vẫn chọn im lặng?

Học sinh bị tát 231 cái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đau không mà sao ông vẫn chọn im lặng?

Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “đội sổ” vì có số lá phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất, lên mức 3 con số. Chắc hẳn Bộ trưởng có nhiều suy tư và trăn trở lắm để tìm phương pháp cải thiện trong vấn đề chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân.

Tôi nhớ Bộ trưởng đã khẳng định chỉ sau ít phút công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm rằng: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.

Mọi lời hứa đều rất chỉnh chu, nhưng trước hết, tôi nghĩ có thể cải thiện ngay mức độ tín nhiệm bằng việc phá vỡ sự im lặng. Vì sao Bộ trưởng lại chọn im lặng?

Xin đừng để sự im lặng thành vô cảm, thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!

Bởi cử tri và nhân dân luôn sẵn lòng cho những người tín nhiệm thấp thời gian, nhưng họ mong muốn sự thay đổi thực sự, sự chuyển biến thực sự chứ không phải là một lần cúi đầu cho qua tình huống.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có sự im lặng khó hiểu trong nửa nhiệm kỳ hoạt động của mình.

Còn nhớ vào năm 2016, cũng những ngày tháng 11 – tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam, Hà Tĩnh trở thành điểm nóng trên bản đồ giáo dục khi vụ việc điều nữ giáo viên đi tiếp khách được dư luận, báo chí phản ánh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã im lặng trong một khoảng thời gian không hề ngắn, đủ để bao người thấy thực sự thất vọng sau quá nhiều kỳ vọng vào người đứng đầu ngành.

Mới đây, vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Bộ trưởng chọn im lặng dài lâu khiến dư luận bức xúc.

Khi học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả xã hội “quay cuồng” tranh cãi về chương trình thực nghiệm học chữ vuông tròn của GS. Hồ Ngọc Đại, Bộ trưởng GD&ĐT cũng chọn sự im lặng, người lên tiếng là Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhưng những giải thích cũng không cắt nghĩa được vấn đề.

Dự thảo quy định sinh viên bán dâm lần thứ 4 sẽ bị đuổi học gần đây, dư luận cũng đã phải đi từ bức xúc này đến bức xúc khác trước khi nhận được câu trả lời “đá bóng trách nhiệm” của vị “Tư lệnh” ngành.

Mỗi năm, cả nước lãng phí hàng nghìn tỷ đồng cho vấn đề sách giáo khoa. Nhưng càng mong chờ, dư luận càng thấy lạnh người vì sự im lặng của Bộ trưởng.

Vâng, thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục sẽ ra sao khi Bộ trưởng cứ mãi phản ứng quá chậm trước những vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận xã hội? Vì sao cứ phải đợi đến khi PV “săn tìm”, ĐBQH truy trách nhiệm, xã hội phản ứng gay gắt, Bộ trưởng mới lên tiếng mà không phải là sự chủ động từ phía trách nhiệm người đứng đầu?

Với các vị Bộ trưởng – trong đó có Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng, cả xã hội hướng theo từng bước đi, từng chỉ đạo, từng quyết định của các vị. Dù là việc nhỏ hay việc lớn, dù là điểm nóng hay không thì tiếng nói của Bộ trưởng luôn có sức nặng tựa ngàn cân.

Có lý do gì để im lặng trước vụ việc cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái? Cá nhân tôi nghĩ rằng, là người đứng đầu, sự lên tiếng xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm chứ không phải vì áp lực của dư luận sẽ luôn được ghi nhận. Đấy chính là “lá phiếu tín nhiệm” có giá trị nhất và cũng sẽ là sự nỗ lực dễ được ghi nhận nhất trong lòng cử tri và nhân dân.

Và hơn hết, sự im lặng đó sẽ khiến cho những thầy cô giáo đang miệt mài, nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp giáo dục sẽ cảm thấy chạnh lòng. Bởi trường hợp cô giáo ở Quảng Bình bắt cả lớp tát bạn 231 cái cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải phổ biến.

Còn sự im lặng của Bộ trưởng lúc này khiến dư luận buộc lòng phải suy nghĩ thiếu tích cực, đó phải chăng là một sự trốn tránh trách nhiệm? Với trách nhiệm được giao, với cương vị đang nắm giữ thì sự im lặng ấy đã xứng tầm hay chưa? Đến bao giờ, giáo viên và học sinh không phải bạo lực hóa việc dạy và học chỉ vì căn bệnh thành tích?

Thưa Bộ trưởng, xin hãy cho dư luận biết, Bộ trưởng đang nghĩ gì?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Dương Thu

Theo Người Đưa Tin

largeer