Hỏng 'góc con người' vì tự ý niềng chỉnh răng tại nhà

Thứ năm, 10/10/2019, 10:11 AM

Được quảng cáo có thể niềng chỉnh răng thẳng đều tăm tắp với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng, các sản phẩm hàm trainer đang được nhiều phụ huynh đua nhau sử dụng cho con nhỏ.

Tuy nhiên, trẻ có thể “gánh họa” từ phương pháp làm đẹp “góc con người” này.

Sau khi thay hàng răng sữa nhỏ nhắn, con gái chị Lan Anh (12 tuổi, H.Phúc Thọ, TP.Hà Nội) cảm thấy tự ti vì hai chiếc răng cửa mới vừa to, vừa mọc vênh cùng hàm răng dưới khấp khểnh. Chị Lan Anh cho con đi khám và được tư vấn nắn răng bằng các hạt cố định. Tuy nhiên, lo ngại con sẽ đau và khó chịu nên chị nghe bạn bè, lên website mua hàm chỉnh răng trainer tại nhà cho con đeo với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Sau gần nửa năm đeo loại hàm chỉnh răng này, “góc con người” của con gái chị không hề thay đổi. “Thời gian đeo hàm chỉnh răng lâu nhất là vào ban đêm, nhưng hầu hết buổi sáng khi thức giấc, cháu phát hiện dụng cụ này rơi khỏi miệng lúc nào không hay”, chị Lan Anh kể.

Hàm trainer được quảng cáo tháo lắp, điều chỉnh dễ dàng với nhiều mức giá khác nhau trên các trang mạng

Hàm trainer được quảng cáo tháo lắp, điều chỉnh dễ dàng với nhiều mức giá khác nhau trên các trang mạng

Tương tự, tại một phòng khám nha khoa, chị Nguyễn Thương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) được bác sĩ tư vấn cho con dùng hàm trainer để điều chỉnh phần hàm trên bị hô, đồng thời giúp răng cửa của cháu mọc đều hơn. Đáng nói là sau hai tháng sử dụng, chị cũng phải từ bỏ vì dụng cụ này thường xuyên bị rớt khỏi hàm của con chỉ 1-2 tiếng sau khi ngủ.

Hàm trainer là dụng cụ nắn chỉnh răng bằng hàm tháo lắp hay thường được gọi là niềng răng silicon. Dụng cụ này được quảng cáo rầm rộ trên các trang bán hàng trực tuyến với đủ mức giá và xuất xứ. Trong khi một số hàm trainer có giá hơn 1 triệu đồng thì lại có nơi bán chỉ 230.000-250.000 đồng/bộ. 

Tư vấn cho chúng tôi, chủ một shop trên mạng xã hội phân tích, hàm trainer điều chỉnh răng mọc lệch, răng vẩu, hàm cắn ngược, thậm chí là hàm hô hay móm. Hàm này được đúc sẵn, có ba kích thước khác nhau dành cho từng nhóm tuổi. 

Theo người bán hàng, hàm này nên đeo từ khi bé 6-8 tuổi, khi đã thay các răng cửa và các răng khác đang bắt đầu nhô ra. 

Bác sĩ Đỗ Văn Cẩn, phụ trách Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có hai phương pháp chỉnh nha cơ bản là nắn răng bằng hạt cố định (chỉnh răng bằng hệ thống mắc cài), được chỉ định nhiều nhất cho các hàm răng khấp khểnh. Phương pháp thứ hai là chỉnh nha bằng hàm tháo lắp, trong đó có hàm trainer, dễ dàng lắp vào và tháo ra. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng cho một số trường hợp như trẻ bị khớp cắn ngược, có thói quen mút môi, mút lưỡi…

Trong khi đó, đối với các trường hợp trẻ có răng mọc khấp khểnh, không đều, phương pháp này rất ít khi được chỉ định. Nhiều năm nay, do hiệu quả niềng, chỉnh răng của hàm trainer không cao nên phương pháp này hầu như không còn được áp dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hãy đến gặp bác sĩ nha khoa không nên tự ý niềng răng tại nhà

Hãy đến gặp bác sĩ nha khoa không nên tự ý niềng răng tại nhà

Bác sĩ Cẩn phân tích, hàm răng của mỗi người có cấu tạo khác nhau. Khi thiết kế một hàm nắn, bác sĩ phải thăm khám, đo đạc và làm thủ công để vừa vặn với từng bệnh nhân. Trong khi đó, hàm trainer sản xuất theo mẫu chung, phân loại theo nhóm các kích cỡ nên không tránh khỏi tình trạng bị rộng hay hẹp so với hàm của bệnh nhân.

Khi phụ huynh tự mua hàm nắn chỉnh răng về cho con sử dụng, không chỉ bỏ lỡ thời gian nắn chỉnh hàm mà các bác sĩ cảnh báo có thể phá hỏng “góc con người” của trẻ. “Ví dụ nếu sử dụng hàm silicon nhỏ hơn so với kích thước thực, về lâu dài có thể làm hàm hẹp lại, khiến răng mọc chen chúc. Ngược lại, nếu hàm nắn rộng hơn thì lại khiến răng thưa, gây ra các vấn đề trầm trọng hơn”, bác sĩ Cẩn lưu ý. 

Huyền Anh

Theo phunuonline.com.vn

largeer