Kế hoạch dự phòng và những toan tính của Huawei

Thứ ba, 21/05/2019, 12:44 PM

Quyết định tạm ngưng hợp tác với Hoa Vĩ (Huawei) của Google và nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Qualcomm… đang khiến người dùng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam vô cùng lo lắng và chờ đợi các giải pháp xử lý từ thương hiệu hàng đầu Trung Quốc này.

Huawei sẽ làm gì trước những bất lợi dồn dập xảy đến? Ảnh: Minh họa

Huawei sẽ làm gì trước những bất lợi dồn dập xảy đến? Ảnh: Minh họa

Động thái mới nhất hôm 19/5 của Google khi ngăn chặn các hoạt động kinh doanh với Huawei bao gồm tước quyền truy cập vào các bản cập nhật mới cho hệ điều hành Android đối với thương hiệu điện thoại hàng đầu Trung Quốc, có thể coi là bước khởi đầu của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, vốn đã nóng vì chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia này. Các phiên bản smartphone tiếp theo của Huawei cũng sẽ bị mất quyền truy cập vào các dịch vụ phổ biến như Google Play Store, Gmail hay YouTube. Huawei chỉ có thể sử dụng phiên bản công khai của Android và không thể truy cập vào các ứng dụng, dịch vụ độc quyền của Google.

Tiếp bước “gã khổng lồ” Google, các công ty công nghệ khác cũng tuyên bố xem xét ngừng các hoạt động hợp tác với Huawei bao gồm Intel, Qualcomm và Broadcom. Nếu việc ngưng hợp tác với Google có thể khiến Huawei chững lại vì không sử dụng được hệ điều hành Android phổ biến, thì việc 2 thương hiệu chip và vi mạch điện thoại lớn nhất thế giới ngưng hợp tác với Huawei thực sự có thể khiến thương hiệu Trung Quốc lao đao ở thị trường quốc tế.

Người dùng Việt Nam bất an

Khảo sát một số người dùng sản phẩm công nghệ Huawei, không ít người tỏ ra lo ngại về sản phẩm mình đang sử dụng. Anh P.S.Trường (nhân viên văn phòng, quận 8, TP.HCM) cho biết mình mới bán chiếc tablet Huawei ngay trong ngày 19/5 cho một công ty điện thoại cũ trên địa bàn với giá 700 ngàn đồng.

“Tôi may mắn vì bán đúng thời điểm nhưng số tiền thu về cũng không nhiều. Lo ngại vì sau này tablet của mình sẽ không cập nhật được Android và một vài ứng dụng của Google thì chả khác gì cục gạch nên tôi bán luôn”, anh Trường chia sẻ.

Trong khi đó, chị T.T.Bình (ngụ Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Bình thường tôi bán tạp hóa ở nhà, công việc cũng nhiều khi nhàn hạ nên được các con mua cho cái điện thoại Huawei giá rẻ để liên lạc, giải trí. Tôi thấy nó xài cũng khá ổn mà giá cũng rẻ. Đùng một cái con tôi về bảo mang đi bán vì không cập nhật được phần mềm gì đó. Điện thoại mua 4, 5 triệu bạc mà bán lại chưa đến 500 ngàn”.

Ở góc độ nhà phân phối, không ít cửa hàng đại lý đang lo ngại về việc tiêu thụ điện thoại Huawei trên thị trường sau thông tin hôm 19/5. Anh Phú (nhân viên một đại lý Thế Giới Di Động trên địa bàn quận Tân Bình) cho biết: “Bình thường khách hàng cũng hay hỏi về Huawei vì so về phân khúc nó là tốt nhất mà giá lại rất rẻ. Chụp hình đẹp, điện thoại tiện ích chả kém Samsung, iPhone mà giá chỉ bằng có một nửa nên nhiều khách hay mua. Nhưng so về thực tế nó cũng không được chọn nhiều như Samsung, iPhone hay thậm chí, Oppo. Sau thông tin Google không hợp tác với Huawei thì sức tiêu thụ của điện thoại thương hiệu này ngay lập tức chững lại. Hồi trước cả ngày bán cũng được vài cái điện thoại nhưng hôm nay không ai hỏi luôn chứ đừng nói là bán”.

Dạo một vòng các trang mạng xã hội về công nghệ, có thể thấy rất nhiều những lời rao bán điện thoại, máy tính bảng Huawei tràn ngập.

Huawei sẽ có "chiêu bài" cho mình?

Trước tâm lý bất an của hàng triệu người dùng như hiện nay thì nhiều chuyên gia dự đoán Huawei sẽ tung ra chiêu bài của mình. Một nguồn tin đến từ Trung Quốc mới đây vừa tiết lộ với trang Huaweicentral rằng, nhà sản xuất Huawei đã phát triển hệ điều hành của riêng mình với tên gọi là “Hongmeng”. Được biết, dự án này được khởi động từ năm 2012, và có lẽ đã đến lúc nó được đưa vào sử dụng khi Google vừa chính thức rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android của Huawei.

Trước đó vào tháng 3/2019, Huawei đã đầu tư vào HiSilicon để bắt đầu chế tạo chip xử lý riêng. Nói cách khác, động thái cấm cửa của Mỹ có thể kích thích Huawei và các công ty Trung Quốc phát triển tự thân trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch luân phiên của Huawei ông Eric Xu đã cho biết nếu một ngày các công ty Hoa Kỳ ngừng hợp tác thì cũng sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Cộng đồng Android không có bất kỳ quyền hợp pháp nào để ngăn chặn các công ty truy cập vào giấy phép nguồn mở.

Tuy rằng trong tương lai các thiết bị Huawei sẽ không có quyền sử dụng các ứng dụng độc quyền nhưng những dòng điện thoại hiện tại vẫn có thể tải xuống các bản cập nhật của những ứng dụng này.

Nhiều năm trước, ban giám đốc của Huawei đã ngồi lại với nhau để bàn về kịch bản Mỹ sẽ cấm cửa các thiết bị viễn thông, chip và công nghệ của Huawei. Đây có thể là đòn chí tử khiến mảng kinh doanh cốt lõi của Huawei rơi vào tình cảnh nguy hiểm.

Đơn vị chip của Huawei là HiSilicon vẫn dành những nguồn lực quan trọng đã xây dựng một kế hoạch dự phòng. Theo bản ghi chép của Chủ tịch He Tingbo (Teresa He), khi Mỹ đưa Huawei và các công ty con vào blacklist, kế hoạch dự phòng này sẽ được thực hiện.

Tại HiSilicon từ nhiều năm trước, Huawei đã bắt đầu phát triển những con chip của riêng mình để sử dụng trên smartphone và các thiết bị kết nối khác nhằm thay thế cho những con chip của Qualcomm hay Intel.

Liệu với những chuẩn bị từ trước như đã phân tích có đủ để thương hiệu smartphone bán chạy thứ nhì thế giới lấy lại lòng tin và trấn an người dùng của mình hay không chúng ta sẽ cùng đón đợi?

 Nguyễn Ngọc - Đăng Kiệt

largeer