Khách ngoại đua nhau “săn” căn hộ cao cấp

Thứ hai, 27/08/2018, 16:01 PM

Một số dự án bất động sản tại TP.HCM, đặc biệt ở khu vực quận 2 và quận 7 đang có hiện tượng “cháy” căn hộ bán cho khách ngoại do nhu cầu sở hữu nhà của người nước ngoài tăng cao.

Nhiều dự án bất động sản cao cấp tại TP.HCM đang cháy room bán cho người nước ngoài.

Nhiều dự án bất động sản cao cấp tại TP.HCM đang cháy room bán cho người nước ngoài.

“Cháy” room tại các dự án cao cấp

Anh Nguyễn Đức Tài, một môi giới bất động sản ở khu vực quận 2, cho biết mới đây hai khách người Hàn Quốc đã đặt anh tìm mua căn hộ ở khu vực quận 2. Hiện room bán cho khối ngoại tại các dự án căn hộ theo quy định là 30%, và dự án mà công ty Tài phân phối đã dùng hết hạn mức này.

“Sau khi tìm hiểu và hỏi các dự án ở khác ở khu vực quận 2, tôi cũng không thể tìm được căn hộ nào cho hai vị khách nói trên do các dự án đều “cháy” room. Hai người Hàn Quốc này sau đó đành chấp thuận thuê căn hộ từ 1-2 năm để tìm cơ hội mua”, Tài chia sẻ.

Có kinh nghiệm làm môi giới bất động sản hơn 5 năm, Tài cho hay khách nước ngoài đa phần chuộng các chung cư cao cấp tại phường Thảo Điền, quận 2 và quận 7. Trong đó, khách Hàn Quốc rất chuộng các dự án ở quận 7 vì khu vực này đã hình thành cộng đồng người Hàn sinh sống. Họ thường yêu cầu những dự án cao cấp với quy mô dưới 500 căn vì không thích mật độ dân số quá cao.

Tuy nhiên, Tài tiết lộ nhiều dự án cháy room không hẳn do người nước ngoài đặt mua hết mà bởi các môi giới “ôm” hàng chờ tăng giá. “Nhiều môi giới thắng lớn khi nhu cầu mua nhà của người nước ngoài tăng cao vào dịp đầu năm, thời điểm họ đến Việt Nam nhận nhiệm kỳ làm việc mới ở các công ty”, Tài nói.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM cũng cho biết một dự án ở quận 7 của công ty đã bán được hơn 100 căn cho người Hồng Kông đến Việt Nam làm việc. Thậm chí, công ty này còn tìm được một người Hồng Kông gốc Việt để đào tạo việc bán căn hộ tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng dự tính đặt văn phòng tại Hồng Kông để giới thiệu việc mua nhà tại Việt Nam.

“So với Hồng Kông, giá bất động sản ở Việt Nam ‘mềm’ hơn nhiều, đây là nguyên nhân các sản phẩm bất động sản ở Việt Nam được họ ưa chuộng”, vị này nhận định.

Theo phân tích của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản cao cấp tại TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm lớn của số đông, đặc biệt khi khung pháp lý được nới rộng, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà vào năm 2015. Đối với người mua đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc thì Việt Nam là một điểm đến lý tưởng khi giá bất động sản còn thấp hơn nhiều so với nước họ.

“Một căn hộ hạng sang tọa lạc tại trung tâm thành phố có giá khoảng 115,3 triệu/mét vuông (xấp xỉ 5.000 đô la Mỹ) nhưng ở Hồng Kông, người mua phải bỏ ra số tiền gấp 4 lần”, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills nêu ví dụ.

Một lý do khác để các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam, theo ông Duy, là mức ROI (tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư) khá hấp dẫn, tùy theo từng dự án. Do nguồn cung căn hộ cao cấp không mấy dồi dào nên phân khúc này có tính thanh khoản cao hơn và đang tăng với tốc độ hai con số hàng năm. Quận 1, quận 2, quận 3 đang là khu vực lý tưởng bởi vị thế đắc địa, hướng sông và giáp ranh hệ thống tàu điện ngầm dự kiến hoạt động vào năm 2020.

“Trong vòng từ 3-5 năm tới, Savills đã nhận thấy hiện tượng cầu vượt cung đối với phân khúc cao cấp. Người nước ngoài đang dành sự quan tâm lớn đến phân khúc này tại TP.HCM khi giá căn hộ cao cấp tại đây đang được nhận định là rất hấp dẫn so với khu vực như Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur trong khi mức lợi tức cho thuê lại dẫn đầu”, ông Duy nói.

Có nên nới room cho khách ngoại?

Trước tình trạng hết room bán cho người nước ngoài tại nhiều dự án, luật sư Bùi Quang Tín, Tổng giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng hiện nay nguồn vốn vào bất động sản từ ngân hàng đang bị siết chặt, các nguồn vốn khác như từ chứng khoán cũng trở nên khó hơn thì rất cần nới room để thu hút đầu tư nước ngoài. Mức nới nên được thực hiện từ từ, có thể trước mắt tăng lên mức 35-40%.

Đã từng tư vấn nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, ông Lê Minh, Phó Tổng giám đốc phát triển chiến lược Công ty Riny, cho rằng thay vì áp thẳng hạn mức 30% cho tất cả các dự án, Nhà nước nên để chủ đầu tư tự quyết định việc bán bao nhiêu phần trăm căn hộ cho người nước ngoài, tương tự việc nới room chứng khoán dành cho khối ngoại.

“Khi nhiều người nước ngoài đầu tư vào bất động sản thì Nhà nước thu được nhiều thuế hơn, sau đó lấy khoản thuế này cân đối xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp địa ốc bán được hàng cũng kéo các ngành vật liệu xây dựng, nội thất phát triển theo”, ông phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Minh, không phải người nước ngoài nào cũng được mua nhà tại Việt Nam mà cần có quy định, điều kiện cụ thể. Cơ quan quản lý có thể tham khảo các nước xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), thì cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên sớm triển khai cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất” cho người nước ngoài. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn tình trạng người nước ngoài đầu tư chui, hoặc mua chui bất động sản tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét cho phép cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel tại các dự án ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhằm tăng thêm tính thanh khoản và bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư phát triển ngành du lịch.

Theo ông Châu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản là nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, đã có ý kiến quan ngại nhà đầu tư nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng lo ngại này không có cơ sở. Thực tế, cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang thống lĩnh thị trường bất động sản như Vingroup, Him Lam, Hưng Thịnh, Nam Long…

Theo TBKTSG Online

Theo Chinhphu

largeer