Kháng sinh đang trở nên vô dụng?!

Thứ hai, 20/05/2019, 15:53 PM

“Nếu chúng ta không có những sự thay đổi ngay từ lúc này, 10 triệu người có thể chết mỗi năm kể từ năm 2050 vì các bệnh đã kháng thuốc. Các bệnh nhiễm trùng thông thường đang trở nên khó có thể điều trị được”. Cảnh báo này được Liên Hợp Quốc (LHQ) nêu ra trong một báo cáo về tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.

2

Lờn kháng sinh đang thực sự báo động

Tình trạng lờn kháng sinh hay kháng kháng sinh là những gì xảy ra khi chúng ta lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị cho người, động vật và kể cả sử dụng cho thực vật.

Ban đầu, một loại kháng sinh mới thường mang lại kết quả tuyệt vời, thậm chí là có thể cứu sống nhiều người bệnh. Tuy nhiên, sau đó vi khuẩn sẽ thích nghi và dần dần loại kháng sinh này trở nên kém hiệu quả hơn. Lúc này, con người lại phải cất công tìm ra một loại khác thay thế.

Và khi cái vòng luẩn quẩn này kết thúc hoặc là khi chúng ta chưa tìm ra được loại kháng sinh mới thì người bệnh sẽ chết chỉ vì những ca nhiễm trùng thông thường - điều mà trước đây chỉ cần dùng một liều kháng sinh là khỏi.

“Trong vòng một thập kỷ qua, số ca bệnh nhiễm trùng không có kháng sinh điều trị hiệu quả đang ngày càng tăng lên ở Mỹ. Cứ mỗi tháng, tôi lại bắt gặp một ca như vậy - điều mà 10 năm trước là rất hiếm gặp” - Amy Mathers, Trưởng Phòng thí nghiệm Sink Lab, Đại học Virginia cho biết.

Các chuyên gia như cô Mathers cảnh báo rằng, những siêu vi khuẩn “sinh” ra từ quá trình kháng thuốc là mối đe dọa cực lớn với sức khỏe của người dân toàn cầu.

Thuốc kháng sinh đang ngày càng

Thuốc kháng sinh đang ngày càng "vô dụng"?!

Không chỉ là sức khỏe mà còn gây khủng hoảng nền kinh tế

Báo cáo của LHQ còn chỉ ra rằng, tình trạng kháng thuốc cũng có thể gây “rối loạn” nghiêm trọng cho nền kinh tế. Vi khuẩn kháng thuốc sẽ khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng vọt, điều này có thể làm cho nền kinh tế thế giới thiệt hại nặng nề, ngang với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia thì vấn đề này có thể được giải quyết với chi phí khá “bèo”. Cụ thể, mỗi người dân ở các quốc gia có thu nhập cao chỉ cần bỏ ra 2 USD/năm là đủ để đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất ra một loại thuốc mới và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ kháng thuốc.

Tính riêng tại Mỹ, tổng chi phí để khắc phục việc kháng kháng sinh là 1,5-2 tỷ USD/năm. Và “số tiền này chỉ tương đương với chi phí mà chúng ta chi ra để mua giấy vệ sinh trong vài tháng” - ông Kevin Kevin Outterson, giáo sư chuyên ngành kháng kháng sinh, Đại học Boston cho biết.

Cần quan tâm đặc biệt

Không giống như tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang trong vòng “nghi vấn”, kháng kháng sinh đã là một vấn đề khác, nghiêm trọng thực sự khi có cả sự đồng thuận về mặt khoa học và chính trị. Khi các loại vi khuẩn kháng kháng sinh và những ca bệnh vô phương cứu chữa hiện đang hiện hữu và đe dọa mạng sống của bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào.

Chúng ta đã đồng lòng hành động và chi phí cũng là khá “bèo bọt” nhưng tại sao vi khuẩn kháng kháng sinh vẫn tồn tại, nếu không muốn nói là ngày càng phát triển?

Như đã biết, trước khi một loại kháng sinh mới được tung ra thị trường thì các nhà khoa học phải mất rất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển. Nhưng hầu hết các hợp chất kháng sinh mới lại thất bại ở khâu thử nghiệm.

Mặt khác, nếu thành công thì các loại kháng sinh này cũng có giá rất rẻ so với thuốc trị tiểu đường hay hỗ trợ ung thư. Và đây chính là điều khiến cho các nhà sản xuất không mấy mặn mà!

Và giải pháp được LHQ đưa ra là cần phải có những ưu đãi về mặt tài chính để thúc đẩy các công ty dược phẩm nghiên cứu kháng sinh mới.

“Kháng sinh là một sản phẩm mà chúng ta muốn bán càng ít càng tốt. Mỗi người chỉ nên ‘mang’ bên mình 1 vỉ kháng sinh, loại thuốc có hạn sử dụng hàng thập kỷ và chỉ được dùng khi chúng ta thực sự cần” - giáo sư Outterson nói.

Lý tưởng với người tiêu dùng là vậy, nhưng giáo sư Outterson cho rằng đó sẽ là một thảm họa với các nhà sản xuất dược phẩm. Bởi, không công ty nào trụ vững khi bỏ ra hàng tỷ USD để nghiên cứu phát triển một loại kháng sinh mới chỉ để bán cho mỗi người 1 vỉ trong 10 năm.

Chính bởi sự bất hợp lý này mà LHQ trong báo cáo của mình đã yêu cầu Chính phủ mỗi quốc gia nên có các ưu đãi như cấp vốn, tín dụng và ưu đãi thuế để hỗ trợ các công ty dược phẩm nghiên cứu kháng sinh ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển phải chung tay giúp đỡ các quốc gia nghèo cải thiện hệ thống y tế và khuyến nghị thành lập một hội đồng liên chính phủ mới - giống như hội thảo về biến đổi khí hậu, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh.

Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức của người dân về mối đe dọa và sự nghiêm trọng của kháng kháng sinh với sức khỏe của toàn nhân loại.

Chúng ta cũng cần phải thiết kế lại quy trình điều trị kháng sinh. Đưa kháng sinh ra khỏi thị trường tự do, nơi giá thuốc được xác định bởi số lượng bán ra nên có giá rất rẻ, khiến chúng dễ dàng bị lạm dụng.

Một gợi ý nữa được đưa ra là Chính phủ các quốc gia nên đưa kháng sinh vào danh mục hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng tới xã hội. Từ đó sẽ có các quy định thắt chặt quản lý kháng sinh. Đồng thời, Chính phủ cũng có thể tài trợ cho nghiên cứu và phát triển thuốc.

Lý Trường

Theo NTD

largeer