Khốn khổ vì tiền đền bù rẻ mạt tại dự án kết nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa

Chủ nhật, 29/07/2018, 12:08 PM

Đã một năm rưỡi trôi qua, kể từ khi hợp đồng BT tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Thủ Đức, TP.HCM) được ký kết, thế nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn hết sức ì ạch do giá bồi hoàn chưa thỏa đáng.

 Dự án BT, xây dựng tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa được ký kết thực hiện từ năm 2016 theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Đơn vị được chọn để thực hiện dự án là liên doanh 3 nhà đầu tư gồm: CTCP Đầu tư HNS Việt Nam, CTCP Đầu tư Văn Phú Invest và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Dự án này có tổng giá trị hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó mức đầu tư dự án là gần 944,3 tỷ đồng và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 1.800 tỷ đồng.

vanhdai2duongnoi-1480330514-1420

Tuyến kết nối Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa vẫn đang ì ạch vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng (Ảnh: Internet)

Ghi nhận nhanh của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng tại một số điểm nóng thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, việc thực hiện xây dựng tuyến đường vẫn chưa triển khai. Tại đây, những hộ dân nằm trong diện bị quy hoạch không chịu di dời, giải phóng mặt bằng vì họ cho rằng số tiền đền bù quá thấp so với giá tái định cư mới. Mặc dù, ở trên đã giao cho UBND quận Thủ Đức thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho nhà đầu tư triển khai khởi công.

Bà Nguyễn Thị Tư (64 tuổi) ngụ tại đường số 11, khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, nhiều hộ dân tại khu quy hoạch dự án vẫn chưa chấp nhận giá đền bù vì giá của đơn vị đưa ra là quá thấp so với giá trị thực tế. Điển hình như nhà của bà, đơn vị đền bù ra giá chỉ 11 triệu đồng/ m2, trong khi khu tái định cư có giá lên đến 20 triệu đồng/m2. Như vậy thì người dân không có tiền bù vào.

anh1-tuyen-duong-ket-noi-pham-van-dong-1-1415 (1)

Nỗi buồn người dân thuộc diện giải tỏa, đền bù nhưng lại nhận mức giá quá thấp (Ảnh: Huy Hoàng)

“Tôi tuổi cao sức yếu, sống tại các căn hộ chung cư thì sao leo nổi các bậc cầu thang, đó là chưa nói đến trường hợp cháy nổ. Ai đời có đất, có nhà, có kế sinh nhai, rồi đùng 1 cái không còn gì mà còn phải bù tiền vào mua nhà ở thì sống thế nào được?” - bà Tư thở dài ngao ngán.

Cùng hoàn cảnh trên, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Nhà tôi cũng thuộc diện quy hoạch để làm tuyến đường kết nối nên tôi hoàn toàn chấp nhận việc di dời để thuận tiện trong việc tiến hành làm đường. Thế nhưng, đền bù số tiền quá thấp tôi không thể chấp nhận được. Vì nếu tôi chấp nhận thì với số tiền nhận được không đủ để mua một căn chung cư chứ chưa nói đến việc mua căn nhà mới”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Tuyết Hồng (28 tuổi) thì chia sẻ, nhà bà có 2 mặt tiền đang kinh doanh, buôn bán nhưng số tiền đền bù chỉ 16 triệu đồng/m2. Nếu đồng ý di dời chuyển đến khu tái định cư mới thì số tiền để mua một ngôi nhà mới có giá tiền lên đến cả 40 triệu đồng/m2.

anh2-tuyen-duong-ket-noi-pham-van-dong-2-1415 (1)

Nước mắt uất ức và nỗi lo về một tương lai vô định (Ảnh: Huy Hoàng)

“Giá đền bù bèo bọt như vậy nhưng nếu không chịu di dời, không nhận thì họ thông báo trong vòng 20 ngày sẽ cưỡng chế để giải tỏa mặt bằng. Đó chẳng khác nào đi đàn áp, đi giết chết cuộc sống người dân, cần phải đánh giá đúng về giá trị tài sản, đất đai để đảm bảo quyền lợi cho người dân chứ không thể tự ý ra giá rồi ép chết dân. Tôi thật sự bất lực!” - bà Hồng bức xúc.

So với nhiều hộ dân khác thuộc diện quy hoạch, ông Nguyễn Văn Bảy (66 tuổi) thậm chí còn khốn khổ hơn. Ông Bảy nói: “Cũng như các hộ dân tại đây, gia đình tôi cũng trong diện bị quy hoạch. Thế nhưng, số tiền đến bù của gia đình tôi rất thấp, chỉ 3 triệu đồng/m2. Vì đất này tôi trồng cây nên họ tính ra đất này chỉ là đất nông nghiệp nên đền bù với số tiền rất thấp. Còn đất nền nhà chỉ được đền bù 16 triệu/m2. Với số tiền thấp như vậy thì làm sao mà gia đình tôi có thể mua được một căn nhà để đủ 3 thế hệ sống chung được. Tôi hỏi, anh đi hết Sài Gòn xem, có đất nào, kể cả xa như Bình Chánh, Củ Chi có giá 3 triệu đồng/m2 không?”.

“Họ bảo, nếu sắp tới gia đình không chuyển đi thì họ sẽ tới cưỡng chế, số tiền mà họ đã đặt ra mà mình chưa lấy thì họ sẽ gửi vào ngân hàng không lãi suất, để sau này mình tự ra ngân hàng làm việc để lấy lại tiền. Hành động này gọi là gì? Quyền lợi công dân đâu?” - ông Bảy phản ứng gay gắt.

Tớc thực trạng, đa số người dân thuộc diện buộc di dời, giải tỏa để thực hiện dự án đồng loạt không chịu di dời vì cho cho rằng mức đền bù quá thấp, không bảo đảm tái định cư, ngày 19/7, Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã liên hệ với UBND quận Thủ Đức TP.HCM để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đơn vị này.

Võ Nguyễn - Huy Hoàng/NTD

largeer